Hà Nội và Sơn La hợp tác cùng phát triển
Cập nhật: 23/10/2018
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc sinh sống trên địa bàn và các sản phẩm nông nghiệp độc đáo, từ lâu, Sơn La luôn hấp dẫn du khách muốn tìm những trải nghiệm mới mẻ. Thời gian qua, thành phố Hà Nội và tỉnh Sơn La đã có nhiều hoạt động hợp tác phát triển du lịch, thương mại và Tuần Văn hóa - Du lịch Sơn La tại Hà Nội vừa diễn ra là một trong những hoạt động cụ thể hóa sự hợp tác giữa hai địa phương.

Người dân Hà Nội tham quan, mua sắm các sản phẩm truyền thống tại Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Sơn La.

Sơn La là một trong những địa phương giàu tiềm năng du lịch ở khu vực Tây Bắc. Nổi bật trong số đó là cao nguyên Mộc Châu. Nằm ở độ cao khoảng 1.050 m so với mặt nước biển, nơi đây được ví là "Ðà Lạt của miền bắc". Mộc Châu mang những nét đẹp khác nhau ở cả bốn mùa. Ðầu xuân, khắp rừng núi nhuộm trắng hoa mơ, hoa mận. Cuối xuân, khắp nơi rực rỡ hoa ban. Mùa hè, khách tham quan được ngắm những đồi chè tít tắp, cũng là mùa mận chín. Mùa thu là mùa của lễ hội, còn mùa đông, Mộc Châu có những cánh đồng hoa cải bạt ngàn. Sơn La có nhiều địa điểm dành cho những người thích "săn mây" như: đỉnh Pha Luông, đỉnh Tà Xùa… Vùng đất này có 12 dân tộc sinh sống, đông nhất là người Thái, người Mường, người Mông, người Dao... Mỗi dân tộc lại có những nét đẹp riêng về phong tục, tập quán, trang phục, lễ hội... Ngoài ra, Sơn La còn có nhiều đặc sản nông, lâm nghiệp. Chính bởi lý do này, ngành du lịch Sơn La đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Từ lâu, Hà Nội là thị trường du lịch trọng điểm của Sơn La, đồng thời, còn là cầu nối quảng bá du lịch Sơn La đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Mặt khác, Sơn La là nơi cung cấp nhiều mặt hàng nông, lâm sản phục vụ cho nhu cầu người dân Hà Nội. Năm 2016, Hiệp hội Du lịch của Hà Nội và Sơn La đã tổ chức chương trình hợp tác, xúc tiến phát triển du lịch; tọa đàm "Liên kết phát triển du lịch Sơn La - Hà Nội trong thời kỳ hội nhập" tại Mộc Châu. Tháng 2/2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La bàn nhiều nội dung quan trọng, trong đó, hai nội dung quan trọng nhất được đề cập là hợp tác thương mại và du lịch. Từ đó đến nay, các hoạt động thương mại, du lịch giữa hai bên tiếp tục phát triển. Tháng 3/2018, Sở Du lịch Hà Nội và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn du lịch gồm đại diện hơn 40 hãng lữ hành để khảo sát, xây dựng thêm các tua du lịch giữa Hà Nội với Sơn La, cũng như các tỉnh Tây Bắc. Tháng 8/2018, cùng với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, TP. Hà Nội hỗ trợ Sơn La tổ chức "Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La" tại Hà Nội. Chương trình đã giới thiệu đến người dân Thủ đô mặt hàng nhãn và các mặt hàng nông sản tiêu biểu như: xoài, bơ sáp, chuối tây, nhãn, bí xanh, mướp hương, thanh long ruột đỏ, tỏi cô đơn, dưa leo, cà chua, rau cải mèo, cải bắp...

Mới đây từ ngày 19 đến 21/10, các đơn vị của Hà Nội và Sơn La phối hợp tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Sơn La tại Hà Nội. Những ngày này, không gian vườn hoa Lý Thái Tổ và nhà bát giác bên hồ Hoàn Kiếm trở thành không gian lễ hội rực rỡ sắc màu miền Tây Bắc. Hơn 100 nghệ sĩ, nghệ nhân xứ sở hoa ban đã đem đến nhiều tiết mục đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: múa hoa chuông, múa khèn, nhảy tha khềnh... Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến điệu múa xòe của người Thái. Những chàng trai, cô gái dập dìu trong điệu múa xòe làm say lòng người. Nhờ diễn ra trong không gian mở, nhiều khách tham quan đã có dịp tham gia và giao lưu cùng các nghệ nhân. Khách tham quan còn được trải nghiệm những trò chơi dân gian như: rồng ấp trứng (dân tộc Mông), đi cà kheo... Chị Nguyễn Minh Thúy (phố Phương Mai, quận Ðống Ða) chia sẻ: Tôi đã đến Mộc Châu một lần, nhưng qua các hoạt động giới thiệu văn hóa - du lịch Sơn La tại Hà Nội, tôi thấy còn rất nhiều điều thú vị mà mình chưa được khám phá. Tôi sẽ dành thời gian đi du lịch Sơn La, nhất là những "cung đường mây" trong thời gian sớm nhất". Bên cạnh đó, không gian khu vực nhà bát giác còn trưng bày hơn 100 bức ảnh đẹp về văn hóa, tiềm năng du lịch Sơn La; giới thiệu những sản phẩm làng nghề, món ẩm thực hấp dẫn của các dân tộc Sơn La.

Năm 2017, Sơn La đón hai triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu du lịch khoảng 1.140 tỷ đồng. Ðể tiếp tục thúc đẩy thương mại, du lịch, Sơn La đã đăng ký chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu cho 14 sản phẩm, xây dựng 61 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; xây dựng 3.000 đội văn nghệ quần chúng với nét văn hóa đa dạng, phong phú. Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh mong muốn, với sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan Trung ương, các địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội, chắc chắn du lịch Sơn La sẽ có bước phát triển ấn tượng trong những năm tới, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Sơn La và khu vực Tây Bắc.

Giang Nam

nhandan.com.vn