Từ ngày 23/11 đến 2/12/2018, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động văn hoá “Nét xưa” với tâm điểm là chương trình Hương sắc Cố đô để chào mừng Ngày Di sản Việt Nam (24/11).
Thăng Long - Đông Đô và Phú Xuân - Huế là kinh đô của nước Việt thời phong kiến. Hai miền đất này là nơi hội tụ và lưu giữ những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam mà trong đó có nhiều giá trị đã được UNESCO công nhận là di sản.
Năm 2018 là dịp 15 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Bởi vậy, tâm điểm của chuỗi hoạt động "Nét xưa" là chương trình Hương sắc Cố đô, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế.
Ban tổ chức cho biết, vào tối ngày 23/11, tại phố đi bộ trước cửa Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm), sẽ là chương trình giới thiệu trang phục áo dài và âm nhạc truyền thống hai miền Bắc - Trung.
Ngày 24/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội diễn ra chương trình giao lưu âm nhạc hai miền Bắc và miền Trung với chủ đề "Ai vô xứ Huế, Ai ra Bắc thành", với các tiết mục biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế do các nghệ sĩ của CLB Nhã nhạc Cung đình và Ca Huế Phú Xuân (đại diện cho Huế) phối hợp với các nghệ sĩ thuộc nhóm Đông kinh Cổ nhạc (đại diện cho Hà Nội) biểu diễn. Ngoài ra, tại địa điểm này còn có các hoạt động trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập trang phục truyền thống Huế của TS Thái Kim Lan; trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập đạo cụ nhạc khí Cung đình Huế của nhóm Nhã nhạc Phú Xuân và nhóm Đông Kinh Cổ nhạc.
Ngoài ra, dịp này, Ban Quản lý Phố cổ còn tổ chức tọa đàm "Tục thờ Tổ nghề ở Việt Nam dưới góc độ đạo Hiếu" và triển lãm ảnh một số làng nghề gắn với các đình tổ Nghề trong khu Phố cổ Hà Nội tại đình Kim Ngân (số 42, 44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm); các hoạt động giới thiệu văn hóa trà Việt, thú chơi cây cảnh và chim của người Hà Nội...
Các hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 nhằm mục đích bảo tồn các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Đồng thời tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương có các điểm di sản trong cả nước trong việc trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và di sản thế giới./.