Tuyệt tác đồi chè trung du Phú Thọ
Cập nhật: 21/12/2018
Mênh mông đồi chè Xanh xanh rừng cọ Ta mến làng ta đồi nương bát ngát Biêng biếc cành lá chè xanh trên sườn đồi Ta mến rừng cây thân vút lên trời Tán xanh trong gió phất (Tiếng hát bên rừng cọ đồi chè - Nhạc sỹ Trương Quang Lục) Nói đến Phú Thọ - vùng đất trung du, chắc hẳn ai cũng nhớ đến câu thơ “Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt...”  

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại đồi chè (Ảnh: Hoàng Giang)

Nếu ai có dịp về Phú Thọ, vùng đất cội nguồn dân tộc với phong cảnh hữu tình, nơi vua Hùng chọn đất đóng đô, nơi đây có những rừng cọ bạt ngàn, những đồi chè san sát như bát úp, được phủ bởi lớp màu xanh của chè, sẽ là một ấn tượng không bao giờ quên được. Nắng gió, đất đai trung du đã giúp cây chè sinh sôi nảy nở và gắn với người dân Phú Thọ đã tự ngàn đời. Đến nay, Phú Thọ là một trong những tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước. Cây chè không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho các hộ gia đình, làm giàu thôn, xã mà những đồi chè còn tạo nên vẻ đẹp quyến rũ đến mê hồn cho vùng đất trung du, thu hút khách du lịch về tham quan đồi chè – tuyệt tác thiên nhiên, để được ngắm không gian trải dài một màu xanh mướt, du khách như tạm quên đi những mệt mỏi, muộn phiền của cuộc sống để đắm mình trong không gian bao la, không khí mát lành cùng làn gió hòa quyện với hương thơm đặc trưng của đồi chè Phú Thọ.

Đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn, một trong những điểm tham quan đồi chè đẹp nhất của Phú Thọ. Theo lời giải thích của các bậc cao niên trong xóm “Long” là “Rồng”, “Cốc” là “ động”; Long Cốc có nghĩa là “động Rồng”. Đứng từ trên cao nhìn xuống, đồi san sát đồi, nằm xếp chồng nhau trông giống hình dáng con rồng xanh khổng lồ. Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho địa hình, khí hậu thuận lợi để cây chè phát triển. Với diện tích hơn 600ha, cây chè đã gắn bó với người dân nơi đây từ  bao đời nay. Ai đã từng đặt chân qua mảnh đất này, đều bị thu hút trước vẻ đẹp choáng ngợp, xanh mướt mắt của những đồi chè nằm uốn lượn, quanh co với không khí trong lành, cảnh vật hữu tình, thơ mộng như thêu dệt nên một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Với màu xanh đặc trưng và sự trải dài tầng tầng lớp lớp của những nương chè, bất cứ thời điểm nào trong năm, đồi chè Long Cốc cũng mang những vẻ đẹp bình yên và cuốn hút lạ thường. 

Đồi chè nơi đây có vẻ đẹp vô cùng tự nhiên nhưng không phải do tạo hoá ban tặng mà nhờ đôi bàn tay khéo léo của con người đã tạo nên những tuyệt tác ấy. Ngay sau khi chiếm đóng Đông Dương, người Pháp đã cho trồng hàng trăm đồn điền chè tại đây, một sản phẩm quý hiếm của vùng viễn Đông có giá trị xuất khẩu sang Châu Âu. Từ đó rất nhiều quả đồi do bàn tay con người xén, vạt thành hình dạng tròn xoe, rồi sau đó được trồng phủ kín bằng màu xanh của cây chè. Đến hôm nay, nhìn từ trên cao hay  xa, chúng ta mới thấy hết được vẻ đẹp của sức lao động. Rất nhiều lữ khách đến đây như bị lạc giữa thiên nhiên đến quên lối về. 

Toàn cảnh đồi chè Long Cốc từ trên cao (Ảnh: Út Mười)

Đồi chè Long Cốc hay bất cứ đồi chè nào, có lẽ đẹp nhất là vào sáng sớm. Đó là lúc du khách có thể cảm nhận được sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Khi những tia nắng nhẹ len lỏi qua màn sương còn mờ ảo của buổi sáng mai, ngắm nhìn những cô, những chị đeo sọt trên vai, đôi bàn tay thoăn thoắt hái những búp chè xanh non còn đọng những hạt sương. Để cảm nhận không khí mát lành cùng hương gió vấn vương vị thơm thơm, chát chát đặc trưng của chè trung du Phú Thọ.

Cảnh đẹp của những đồi chè, cuộc sống lao động sản xuất vui vẻ tràn đầy tinh thần lạc quan của những người dân hiền lành, chất phác cùng với văn hóa chè của người Phú Thọ đã tạo nên một điểm đến với các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa cực kỳ lý thú và hấp dẫn.

Phạm Anh

 
Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ