Rời trung tâm thành phố Thái Nguyên chừng 10 km theo tỉnh lộ Đán - Núi Cốc, du khách sẽ bắt gặp ngay trước mắt ngút ngàn một màu xanh của núi rừng, của những đồi chè đang đơm lộc biếc.
Đất nước ta có nhiều vùng chè ngon, nhưng xưa nay chè Tân Cương- Thái Nguyên là ngon hơn cả, nổi tiếng hơn cả.
"Không hẹn trước thế mà bất chợt
Chè Tân Cương khao khát vô chừng"
Chè Tân Cương hương thơm tự nhiên, nồng nàn như hương cốm, đậm đà bởi vị ngọt chát mà đất trời Tân Cương mới tạo nên được. Từ đầu thế kỷ 20, đã thấy ở Thái Nguyên, Hà Thành, Nam Định và nhiều thị thành trong cả nước những sản phẩm mang hiệu chè Tân Cương - Chè Thái với hương cốm thơm - vị ngọt thanh tao chỉ có một, đã trở thành nỗi nhớ của những bậc trưởng lão, đã thành món quà thơm thảo của tình bạn bè.
Đạo trà - Trà đạo Việt Nam có hay chưa có, nhưng những người quân tử đã uống chè Tân Cương - chè Thái, luôn canh cánh trong lòng những nỗi say mê.
"Thoang thoảng hương cốm bay
Búp xanh non như ngọc
Chè Thái Nguyên ngọt giọng
Ấm lòng khách tri âm"
Hồ Núi Cốc cách thành phố Thái Nguyên 15km về phía tây nam. Hồ nằm giữa một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, sơn thuỷ hữu tình được thiên nhiên ưu ái khí hậu trong lành mát mẻ. Mặt hồ rộng mênh mông, có 89 hòn đảo lớn nhỏ - đảo rừng xanh, đảo cư trú của những đàn cò, có đảo là quê hương của loài dê, đảo núi Cái nơi trưng bày các cổ vật từ ngàn xưa để lại và đảo đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn...
Hồ có độ sâu 23m diện tích mặt hồ rộng 25km2, với dung tích 175 triệu m3 nước. Đến với khu du lịch hồ Núi Cốc quý khách sẽ cảm thấy sự thoải mái và hài lòng với nhiều hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí, thăm quan và nghỉ dưỡng như: du thuyền trên mặt hồ thăm các đảo, thăm huyền thoại cung (nghe kể truyền thuyết câu chuyện tình thuỷ chung chàng Cốc - nàng Công), thăm công viên cổ tích, vườn thú, Vui chơi tắm mát ở công viên nước. Tại đây có hệ thống khách sạn, nhà hàng ăn uống phong phú từ bình dân đến cao cấp... Trong nhiều năm nay hồ Núi Cốc đã trở thành một địa chỉ thăm quan hấp dẫn cho du khách gần xa trong và ngoài nước.
Khu di tích núi Văn, núi Võ
Núi Văn, núi Võ nằm dưới chân núi Tam Đảo thuộc 2 xã Văn Yên - Ký Phú, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, cách khu du lịch hồ Núi Cốc 15km về phía tây bắc. Một di tích gắn với tên tuổi và quê hương vị danh tướng Lưu Nhân Chú với những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh thế kỷ 15 và triều đại nhà Lê. Ông đã từng dự thề Lũng Nhai năm 1416 kết nghĩa anh em với Lê Lợi. Những năm 1425 -1426 Lưu Nhân Chú chỉ huy nhiều cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh, chiến tích năm 1427 tại ải Chi Lăng chém tướng giặc Liễu Thăng đánh tan 10 vạn quân viện binh. Ông cùng hoàng tử Từ Tế (con trai cả vua Lê Lợi) xây thành Đông Quan và cũng chính bản thân ông đã làm sứ giả đàm phán buộc Vương Thông rút quân về nước để nước Đại Việt được thái bình.
Năm 1485 Lê Thánh Tông đã truy phong ông tước “Thái phó vinh quốc công’’.
Khu di tích núi Văn, núi Võ được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia. Dấu tích cùng với truyền thuyết đẹp gắn với danh tướng Lưu Nhân Chú và đội nghĩa binh của ông.
Điểm du lịch suối Tiên Sa - La Bằng
Xin mời du khách hãy một lần đến với La Bằng, đến với nơi cội nguồn của lịch sử cách mạng Thái Nguyên, đến với suối Tiên Sa để chiêm ngưỡng, thưởng thức những gì mà thiên nhiên ban tặng.
Xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cách thành phố Thái Nguyên 35 km về phía tây bắc. Nằm trên con đường liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang, cách thị trấn Đại Từ 4 km về phía Tuyên Quang.
Người xưa kể lại, Suối La Bằng ngày ấy rất đẹp, dòng nước trong xanh, hai bên cây cối xum xuê toả bóng mát, vào một tối đẹp trời có 4 cô tiên xuống đánh cờ, mải mê đánh cờ trời sáng lúc nào không biết, không kịp về trời, 4 cô tiên đã hoá thành đá, ở 4 góc của bàn cờ từ đó đến nay suối La Bằng có tên là suối Tiên Sa.
Khi tới La Bằng, từ cửa rừng, chúng ta đã gặp hai bên là thành đá dựng đứng, Kẹm La Bằng được thấy từ Kẹm Đỏm thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Từ Kẹm vào khoảng 500m, là suối Trơn, dải suối này có đá rất trơn và đi qua hay bị ngã nên gọi là suối Trơn. Từ suối Trơn đi tiếp vào khoảng 200m là bàn Cờ Tiên.
Tiếp tục đi vào theo men suối chúng ta sẽ đến Vực Thẳm. Từ Vực Thẳm đi vào khoảng 700m, là khu vực Sạt Đèo Khế. Từ Sạt đi khoảng 300m, chúng ta sẽ đến Chuôm đây là nơi cảnh quan rất đẹp, có bãi đá liền khổng lồ được tự nhiên tôn tạo thành những cảnh quan kỳ thú, khí hậu mát mẻ, là nơi tắm và du lịch lý tưởng. Từ Chuôm đi vào là Ngả Hai. Ngả Hai là nơi hai dòng nước lớn chảy dẫn về thành một suối to. Cứ theo dòng suối chúng ta sẽ đến Voi Dắt. Đi tiếp là Đá Hầm. Hòn đá to có hầm chứa được khoảng 20 - 30 người, rất chắc chắn. Thợ săn của đồng bào dân tộc thường lấy khu này là nơi nghỉ ngơi mỗi buổi đi săn.
Từ Đá Hầm, trở lại suối La Bằng, đi tiếp vào trong là cách rừng nguyên sinh được bảo vệ rất tốt, ở đây có những cây cổ thủ lớn như: cây trò lâu năm có chu vi khoảng 5 người vòng tay ôm và cây đa Ba Luồng. (Ba Luồng là nơi có ba con suối đổ về tạo thành một luồng của con suối La Bằng đó gọi là Ba Luồng). Cây đa này rất to và đẹp, xoè tán cả hai bên dòng suối, khí hậu mát mẻ. Cách cây đa khoảng 50m là cây gội (cây sến) ngàn năm, đường kính của cây khoảng 3m, chu vi khoảng 6 người ôm mới hết, chiều cao khoảng 60 - 70m. Đây là cây gỗ quý thuộc gỗ nhóm 4. Đặc biệt khi mùa hè đến, nơi đây có nhiều loại phong lan khoe sắc, có thể bắt gặp những vườn hoa lan nhiều mầu, nơi đây có rất nhiều các loại thú rừng như: khỉ, hươu, sóc, chim muông…
Ngoài các địa danh trên, trên đường đi chúng ta nhìn thấy Đeo Tiều sừng sững, Đeo Tiều là ngày xưa người Mán Đeo Tiều ở trên đó rất đông, họ chủ yếu sống bằng nghề săn bắn và làm nương. Ngày nay ở trên đó còn rất nhiều những dụng cụ và đồ dùng của họ.
Thác Tiên Sa - La Bằng đang được các tổ chức và chính quyền địa phương lập dự án đầu tư để chở thành khu du lịch sinh thái gắn liền với khu du lịch vùng Tam Đảo.
Địa điểm công bố ngày Thương binh liệt sỹ toàn quốc 27/07/1947
" Dù ai đi đông về tây,
Hai bảy, tháng bảy nhớ ngày thương binh"
Nằm cách khu di tích núi Văn, núi Võ 9 km về phía tây bắc, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đó là khu di tích đã được nhà nước tôn tạo và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 17/7/1997. Với diện tích 3000m2 gồm: Nhà lưu niệm; bia là tảng đá vân mây trắng hình trụ, chóp nhọn, cao hơn 3m, rộng gần 3m, nặng gần 7 tấn. Nơi đây ngày 27/7/1947 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố thư Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh liệt sỹ ở nước ta.