Hành trình du lịch Quảng Nam 2019
Cập nhật: 09/01/2019
Năm 2019 được xem là năm bản lề của việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy đề ra nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đưa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước sau năm 2020.  

Du lịch Quảng Nam năm 2019 còn đối diện nhiều thách thức. Ảnh: VĨNH LỘC

Đồng bộ giải pháp

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, năm 2019 bên cạnh tập trung thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành như Nghị quyết 08-NQ/TU, Quyết định số 1117/QĐ-UBND, Đề án hỗ trợ phát triển du lịch miền núi, Quy chế quản lý nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, triển khai phần mềm du lịch thông minh, xúc tiến thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tại Quảng Nam…, sở cũng sẽ tham mưu tỉnh tiếp tục thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đến các khu, điểm du lịch; đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch, khu vui chơi giải trí. 

Ngoài ra hỗ trợ xây dựng câu chuyện cho sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam). Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mới khu vực phía nam, phía tây của tỉnh. Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với làng quê, làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó cũng sẽ thực hiện tốt nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược quảng bá xúc tiến du lịch Quảng Nam đến năm 2025. Trong đó, tiếp tục tập trung quảng bá, xúc tiến tại các thị trường du lịch chiến lược, truyền thống như Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ… Đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; miền Trung - Tây Nguyên và các trung tâm du lịch lớn cả nước… Đặc biệt, tăng cường công tác thanh kiểm tra những nơi, lĩnh vực nhạy cảm như rừng dừa Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm; hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên; giá cả và chất lượng dịch vụ du lịch…

“Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp nên để đạt được mục tiêu trên cần có sự vào cuộc của nhiều sở ngành, địa phương và đồng bộ nhiều giải pháp từ lao động, hạ tầng, giao thông, dịch vụ… Nói chung vấn đề nào cũng cấp thiết nên phải triển khai đồng bộ, nếu làm cái này không làm cái kia thì cũng không hiệu quả” - ông Tường phân tích.   

Khắc phục tồn tại

Thực tế, dù đạt được những kết quả tốt trong năm 2018, nhưng du lịch Quảng Nam cũng tồn tại nhiều hạn chế cần tháo gỡ, từ sự thiếu hụt nguồn lao động, môi trường du lịch xuống cấp, an ninh trật tự bất ổn đến sự mất cân đối thị trường khách, quá tải của phố cổ Hội An…

Trong đó, vấn đề thiếu hụt lao động trở thành bài toán cấp bách. Dự báo, năm 2020 Quảng Nam sẽ cần khoảng 20 nghìn lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Tuy vậy tính đến hết năm 2018 tổng số lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch tỉnh chưa đến 15 nghìn người, đồng nghĩa hơn 5.000 lao động phải được đào tạo cấp tốc trong 2 năm tới.

Theo ông Tường, với việc đón 6,5 triệu lượt khách năm 2018, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. “Với tốc độ tăng trưởng khách như hiện nay, theo phân kỳ năm 2019 Quảng Nam sẽ đón 7,3 triệu lượt khách, tiếp đến đón thêm 700 lượt khách nữa vào năm 2020, khi đó mục tiêu sẽ hoàn thành” - ông Tường chia sẻ.

Trong hội nghị về du lịch mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, để thực hiện hiệu quả những mục tiêu đề ra, các sở ngành, địa phương ngoài quán triệt, thực hiện tốt các quyết định, văn bản của tỉnh thì cũng cần phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là các vấn đề về thuế, chính sách đầu tư, đất đai..., tạo môi trường thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch.

Song hành với đó, Sở VH-TT&DL phải xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến năm 2019 gửi các doanh nghiệp đăng ký tham gia. Cụ thể, xác định thị trường tiềm năng, thay đổi phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch; áp dụng công nghệ vào công tác quảng bá, xúc tiến nhằm nâng cao hiệu quả. Tham mưu tỉnh cơ chế, chính sách quản lý di sản, di tích gắn với phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tư nhân hóa, hợp tác công tư với lộ trình phù hợp; chuyển cơ chế phí, lệ phí sang giá dịch vụ; chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng…

Đặc biệt, UBND huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện tốt Chỉ thị số 19/CT-UBND của tỉnh về đẩy mạnh công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảo an ninh, an toàn cho khách, giải quyết các tồn tại gây bức xúc về ô nhiễm môi trường; cò mồi, chèo kéo du khách; tình trạng quá tải các điểm du lịch; bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, công trình vệ sinh đạt chuẩn…

“Phải thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp để du lịch Quảng Nam đạt được mục tiêu và phát triển bền vững. Nơi nào để xảy ra môi trường du lịch không tốt là trách nhiệm của chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đó” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.

Báo Quảng Nam