Bắc Hà một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Những năm qua, các cấp, các ngành của huyện đã có nhiều giải pháp, nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” của vùng đất “cao nguyên trắng” trở thành ngành mũi nhọn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Du khách tham quan, mua sắm tại chợ phiên Bắc Hà
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, gia đình anh Nguyễn Ngọc Thiện, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cùng một số người bạn khá khó khăn trong việc lựa chọn một địa điểm hấp dẫn ở khu vực Tây Bắc để đi du lịch. Qua tìm kiếm thông tin từ bạn bè và trên mạng internet, gia đình anh Thiện quyết định chọn Bắc Hà là điểm đến du xuân, nghỉ dưỡng. Anh Thiện tâm sự: “Sa Pa rất đẹp, là địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, gia đình tôi và bạn bè đã đến nhiều lần. Lần này, chúng tôi muốn tìm một điểm đến nào đó của Lào Cai mới lạ, hấp dẫn. Qua tìm hiểu, tôi được biết đất và người Bắc Hà rất gần gũi, mến khách, phong cảnh thiên nhiên nơi đây cũng tươi đẹp, hùng vỹ. Đặc biệt, khi đến Bắc Hà vào mùa xuân sẽ được ngắm những rừng hoa mận nở trắng trời”.
Sau 4 ngày trải nghiệm ở Bắc Hà, mọi người trong nhóm của anh Thiện khẳng định, chuyến du lịch Bắc Hà là lựa chọn hoàn toàn chính xác. Chị Nguyễn Bích Hằng, vợ anh Thiện chia sẻ: Du lịch trên đất Bắc Hà vào mùa xuân là một trải nghiệm thú vị, rất khó quên. Những điểm du lịch của Bắc Hà như chợ phiên Bắc Hà, dinh thự Hoàng A Tưởng, điểm du lịch cộng đồng thôn Trung Đô của xã Bảo Nhai, thung lũng hoa Thải Giàng Phố… đã mang đến trải nghiệm ngọt ngào, cảm giác thoải mái, thư thái ngày đầu năm. Những dịch vụ du lịch ở đây cũng rất chuyên nghiệp và giá cả phải chăng, tạo sự gần gũi với du khách.
Để phát triển ngành “du lịch không khói”, huyện Bắc Hà đã xây dựng đề án “Phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa giai đoạn 2016 - 2020”, đề án “Bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống giai đoạn 2016 - 2020”. Các cấp, các ngành của huyện chủ động trong việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý du lịch; tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản về dịch vụ du lịch cho hàng trăm lễ tân, nhân viên nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ... Các công trình thể thao và vui chơi, giải trí đã được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo như sân vận động trung tâm huyện Bắc Hà, các chợ văn hóa (Bắc Hà, Cốc Ly, Lùng Phình), công viên hồ Na Cồ, đền Trung Đô, dinh thự Hoàng A Tưởng... Bên cạnh đó, huyện Bắc Hà cũng duy trì và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như đua ngựa truyền thống, chợ đêm, du lịch cộng đồng và các lễ hội xuân như xuống đồng, say sán, nhảy lửa, cấp sắc; bảo tồn và phát huy giá trị của các làn điệu dân ca Tày, Nùng, Mông, Dao…
Hiện trên địa bàn huyện Bắc Hà có 4 điểm du lịch là chợ phiên Bắc Hà, dinh thự Hoàng A Tưởng, điểm du lịch cộng đồng thôn Trung Đô, thung lũng hoa Thải Giàng Phố và 5 tuyến du lịch từ thành phố Lào Cai đi Bắc Hà sau đó đến các địa phương. Toàn huyện có 54 khách sạn, nhà nghỉ với 648 phòng, tập trung ở các xã Tả Van Chư, Tà Chải, Na Hối, Bảo Nhai; có 34 nhà hàng ẩm thực cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Để du lịch phát triển sâu, rộng và bền vững, huyện Bắc Hà đã phối hợp với các cơ quan tuyên truyền của trung ương và địa phương quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, con người Bắc Hà đến với du khách. Huyện cũng phát hành ấn phẩm giới thiệu du lịch Bắc Hà; tổ chức hợp tác phát triển văn hóa, du lịch với huyện Kiến Thụy và Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Với sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc, trong năm 2018, huyện Bắc Hà đã đón khoảng 400.000 lượt khách, trong đó có 80.000 lượt khách quốc tế. Đặc biệt, Lễ hội mùa xuân và Tuần văn hóa du lịch huyện Bắc Hà năm 2018 đã thu hút khoảng 100.000 lượt khách; chợ đêm được tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần thu hút hàng nghìn khách/tối. Doanh thu từ du lịch năm 2018 của huyện đạt khoảng 320 tỷ đồng.
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, du lịch Bắc Hà vẫn còn những khó khăn. Có thể kể đến như huyện thiếu những điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn, chất lượng tốt và các sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Số lượng hướng dẫn viên được đào tạo cơ bản về chuyên môn và ngoại ngữ còn ít; trình độ ngoại ngữ, khả năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số của hướng dẫn viên chưa đáp ứng được nhu cầu giao tiếp giữa du khách (đặc biệt là khách quốc tế) với đồng bào dân tộc thiểu số. Một số tuyến, điểm du lịch hấp dẫn nhưng vẫn chưa thu hút được khách du lịch do hệ thống đường giao thông đã xuống cấp...
Để khai thác những tiềm năng, lợi thế về du lịch ở Bắc Hà một cách hiệu quả, góp phần mang lại đời sống no ấm, hạnh phúc cho người dân rất cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng nhiệt tình, nghiêm túc từ phía những người làm du lịch. Hy vọng, trong tương lai không xa, vùng đất “cao nguyên trắng” sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.