Quảng Ninh hiện nay được xem là địa phương sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại và đẳng cấp bậc nhất cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để trở thành điểm đến tầm cỡ khu vực và đón được 50 triệu du khách như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hạ tầng mới chỉ là điều kiện "cần" với du lịch Quảng Ninh.
Kinh tế Quảng Ninh- bứt phá nhờ du lịch
Mấy năm gần đây, Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước và đạt trên 10% mỗi năm. Nhờ những cải cách mang tính đột phá nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nên 2 năm liên tiếp, Quảng Ninh đã giữ ngôi vị quán quân về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Không chỉ có vậy, những thành tích đột phá trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch trong thời gian qua đã và đang dẫn dắt kinh tế Quảng Ninh đứng trước vận hội bứt phá ngoạn mục nhờ du lịch và đưa thành phố di sản trở thành điểm đến tầm cỡ châu lục.
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn
Cuối năm 2018, đồng loạt các công trình giao thông trọng điểm của Quảng Ninh đi vào hoạt động, gồm: Cảng sân bay quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu du lịch khách quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam; Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.... Cả ba công trình đều do Tập đoàn Sun Group đầu tư, tới nay, đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho du lịch Quảng Ninh cất cánh.
Theo thống kê, cả năm 2018, Quảng Ninh đón 12,2 triệu lượt du khách, trong đó 5,2 triệu lượt khách quốc tế - thành tích chỉ kém TP. HCM và Hà Nội. 9 tháng năm 2019, tổng khách du lịch trên địa bàn đạt trên 11,3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt trên 4,1 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 29%. Không chỉ tăng trưởng về số lượng và doanh thu, thời gian lưu trú của khách du lịch đến Quảng Ninh cũng đã thay đổi tích cực, dao động ở mức 2-3 ngày. Trong đó, khách du lịch quốc tế là 2,8 ngày, chỉ thấp hơn một số địa điểm du lịch quen thuộc như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay các địa bàn nghỉ dưỡng đặc thù ở Khánh Hòa, Phú Quốc. Đây là số liệu đáng khích lệ, cho thấy chất lượng dịch vụ du lịch Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến. Những con số ấn tượng trên cũng đã cho thấy hướng đi đúng đắn của Quảng Ninh khi chuyển từ "nâu" sang "xanh" và tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch.
Vẫn nhiều thách thức
Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, thế mạnh về cơ sở hạ tầng mới chỉ là điều kiện cần để du lịch Quảng Ninh bứt phá và phát triển bền vững. Bởi lẽ, nếu so với các đối thủ đáng gờm trong khu vực, Quảng Ninh vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Năm 2018, Quảng Ninh đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn nếu so với 10 triệu lượt khách của Phuket hay Pattaya (Thái Lan) hay gần 8,5 triệu khách của Bali (Indonesia)…- những điểm đến có cùng tiềm năng, thậm chí không đa dạng loại hình trải nghiệm như Quảng Ninh.
So với các thành phố du lịch lớn trong nước như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang…, Quảng Ninh tuy có thế mạnh cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ, song vẫn còn thiếu thốn các sản phẩm đặc thù, mang thương hiệu riêng của thành phố di sản cũng như lép vế về chất lượng dịch vụ cũng như các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, nghệ thuật bổ trợ và đồng hành với du lịch.
Sun World Halong Complex
Nhắc đến tiềm năng du lịch Quảng Ninh, TS. Hà Bích Liên, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cố vấn cấp cao cho hãng tàu Royal Caribbean Cruises (Mỹ) từng đánh giá: "Việc Cảng tàu khách quốc tế đầu tiên của Việt Nam tại Hạ Long (Quảng Ninh) được đưa vào sử dụng là bước tiến lớn để Việt Nam nâng cao năng lực tiếp đón du khách tàu biển vốn là đối tượng khách cao cấp, chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ có mỗi cái bến tàu thôi thì không đủ mà cần cả những sản phẩm dịch vụ cao cấp, những trung tâm mua sắm sang trọng, uy tín hay những khu vui chơi đẳng cấp tầm cỡ quốc tế để đáp ứng nhu cầu du khách…".
Việc cơ sở hạ tầng du lịch thiếu và yếu, chưa bắt kịp xu thế, không theo được tăng trưởng, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách… vẫn được xem là hạn chế của nhiều điểm đến, chứ không riêng gì Quảng Ninh trong nhiều năm trở lại đây. Đà Nẵng là một ví dụ tiêu biểu cho mô hình thành công nhờ sản phẩm du lịch độc đáo, quy mô và ấn tượng, nhưng cũng đang cho thấy dấu hiệu chững lại vì chưa có nhiều đột phá trong những năm gần đây. Nói như ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc APT Travel khách quốc tế đến Đà Nẵng nhiều nhưng lại ít chi tiêu. "Nếu không tắm biển, ăn hải sản và đến Bà Nà Hills, du khách không biết đi đâu, làm gì. Buổi tối cũng không có sản phẩm du lịch nào để kéo khách ra đường, tiêu tiền…".
Ngay cả những trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn có đột phá đáng kể về cơ sở hạ tầng, đa dạng hoá sản phẩm du lịch. Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, số lượng tối đa du khách MICE mà thành phố có thể phục vụ mỗi lần chỉ là 800 người, trong khi đó, có những đoàn khách đến 3.000 người. Nguyên nhân là hầu như chưa một khách sạn nào có hội trường đáp ứng được yêu cầu tổ chức hội nghị lớn vài ngàn khách. Còn ở Hà Nội, tình trạng thiếu nguồn cung khách sạn đã diễn ra trong một vài năm trở lại đây, thành ra ở phân khúc khách sạn 5 sao, giá phòng bình quân không ngừng tăng.
Khó khăn thì đã nhìn thấy, nhưng với Quảng Ninh, còn nhiều cơ hội để gỡ khó, bởi dư địa phát triển của tỉnh này còn quá lớn. Chỉ cần những chính sách phát triển có hoạch định bài bản, cộng thêm sự nhiệt huyết và cái tầm của những nhà đầu tư chiến lược lớn, Quảng Ninh chắc chắn sẽ làm được. Mà việc hút nhà đầu tư lớn, tạo điều kiện cho họ tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, Quảng Ninh đã làm rất tốt những năm qua.
Vân Hồ