Một lối đi được xây dựng riêng cho xe lăn nhưng độ dốc quá cao khiến xe lăn khó di chuyển, nhà vệ sinh có biểu tượng tiếp cận nhưng cánh cửa hẹp khiến người dùng xe lăn không thể vào… Đó là những ví dụ điển hình cho việc tiếp cận của người khuyết tật (NKT) còn gặp nhiều khó khăn.
NKT trực tiếp khảo sát khả năng tiếp cận tại các điểm đến (Nguồn: Dulichtiepcan.com)
Rào cản của du lịch tiếp cận
Theo Luật Người khuyết tật, tiếp cận là việc NKT sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch… để có thể hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, trong thời gian Nhóm Vì tương lai tươi sáng của NKT Hà Nội (Trực thuộc Hội NKT Tp. Hà Nội) khảo sát thực tế để xây dựng nội dung cho website dulichtiepcan. com – trang web được xem như “Cẩm nang” về du lịch tiếp cận, họ đã ghi nhận được rất nhiều chuyện “dở khóc dở cười”.
Theo khảo sát của Nhóm, ga Ninh Bình có lối tiếp cận tốt cho khách lên tàu, nhưng cửa vào khu vệ sinh còn có bậc và rộng chưa tới 60cm, gây khó cho NKT. Đây thực sự là điều đáng tiếc cho một nhà ga mới được xây dựng được cho là hiện đại bậc nhất Việt Nam. Tương tự như vậy, ở sân bay Đồng Hới có 4 khu vệ sinh - 2 khu ở phía bên trong khu cách ly và 2 khu ở ngoài sảnh nhưng phòng vệ sinh dành riêng cho NKT với cửa vào rộng 59cm và bên trong có diện tích 80cmx1m, khó đưa xe đẩy vào khiến những thành viên thực hiện khảo sát bình luận thêm: “Ai vào được thì vào!”.
Việc khảo sát được Nhóm Vì tương lai tươi sáng của NKT Hà Nội thực hiện với một bảng tham chiếu kỹ thuật chi tiết về công trình xây dựng tiếp cận để đảm bảo an toàn cho NKT, đã chỉ ra rất nhiều địa điểm không tiếp cận, hoặc đã có nhưng vẫn làm khó cho NKT khi sử dụng. Bà Nguyễn Thị Phượng, thành viên Dự án "Thúc đẩy du lịch tiếp cận cho NKT tại Việt Nam” cho biết, ngoại trừ một số thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hay các khách sạn lớn, hiện nay nhiều cơ sở lưu trú và điểm du lịch tại Việt Nam không hỗ trợ cho NKT. Ngay cả với những quy định đơn giản như thiếu hệ thống chữ nổi cho người khiếm thị, thời gian đóng mở thang máy chưa tới 20 giây khiến NKT khó di chuyển…
Trong chương trình tổng kết Dự án "Thúc đẩy du lịch tiếp cận cho NKT tại Việt Nam” do Hội Người khuyết tật Tp. Hà Nội và Quỹ Abilis Việt Nam vừa phối hợp tổ chức mới đây, bà Trịnh Thị Thu Thủy, Trưởng Nhóm Vì Tương lai tươi sáng của NKT Hà Nội cho rằng, mỗi địa phương đều có cái khó riêng khi đưa du lịch tiếp cận gắn với các hoạt động du lịch. Chẳng hạn, chưa có quy định tiêu chuẩn cho việc thiết kế phương tiện để đảm bảo NKT tiếp cận, sử dụng các phương tiện giao thông dưới nước như ở Hạ Long hay Cần Thơ. Với địa hình núi đồi như ở Lâm Đồng, việc các công trình xây dựng luôn được thiết kế khá nhiều bậc cũng là thách thức đối với NKT. Nhiều di tích ở Huế chịu sự quản lý theo Luật Di sản nên việc cải tạo để các điểm tham quan trở nên tiếp cận đối với NKT cũng là một thách thức lớn. Còn Ninh Bình vừa có các tuyến du lịch đường thủy lại có các di tích nên mức độ tiếp cận cho NKT cũng khó khăn hơn nhiều.
Thúc đẩy hòa nhập của NKT
Theo các chuyên gia, các chương trình du lịch cho NKT luôn mang lại lợi ích kép, bởi ngoài bản thân NKT còn có thêm người thân/ người chăm sóc đi cùng, hoặc nhu cầu đi cùng với nhiều người cùng cảnh ngộ. Năm 2016, Tổ chức Du lịch Thế giới chọn “Du lịch tiếp cận” là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới đã đưa ra nhận định, trên thế giới có khoảng 1 tỷ người tàn tật, trẻ em, người già, người nghèo... vẫn gặp rào cản trong việc tiếp cận với du lịch. Điều này cũng đúng với thực trạng tại Việt Nam khi NKT hiện nay có nhu cầu du lịch nhưng gặp nhiều hạn chế không chỉ ở hạ tầng mà còn thiếu thông tin về các đơn vị cung ứng dịch vụ.
Trong thời gian qua, cùng với những nỗ lực của các hội NKT, sự tham gia của nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã ghi nhận nhiều sự thay đổi tích cực, giúp NKT tiếp cận dễ dàng hơn với hệ thống giao thông công cộng, khu vực công cộng, thông tin điểm đến… Công viên Biển Đông (Đà Nẵng) được xem là bãi biển duy nhất của Việt Nam có đường tiếp cận cho NKT ra biển. Tuyến đường đi bộ trên sông Hương (Tp. Huế) được xây dựng chắc chắn, bằng phẳng, không trơn trượt và không có bậc cấp giúp cho mọi du khách, trong đó có NKT có thể trải nghiệm. Khu quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam cũng được đánh giá cao bởi hoàn toàn tiếp cận cho tất cả mọi người, các đường dốc, nhà vệ sinh, khu trưng bày đều đạt chuẩn tiếp cận. Ngay cả hệ thống xe buýt công cộng như xe buýt số 61, xe buýt số 107 của Hà Nội đã có đường dốc cho xe lăn lên xuống thuận tiện. Những “điểm sáng” này phần nào giúp mang lại “điểm cộng” cho điểm đến.
Theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Tp. Hà Nội, NKT luôn nỗ lực hướng đến việc hòa nhập với các hoạt động xã hội, trong đó có các trải nghiệm về du lịch. Cũng giống như người bình thường, du lịch là nhu cầu tự nhiên và thiết thực của NKT. Để du lịch thực sự “cho tất cả mọi người” thì cần có những hành động cụ thể hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý cũng như tại các điểm đến.
Nguyễn Hương