Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp tội phạm người nước ngoài đến Việt Nam theo hình thức du lịch và thực hiện các hành vi phạm pháp, tác động không nhỏ đến hoạt động của ngành du lịch. Ðối tượng mà những tội phạm này hướng đến có thể là khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là khách du lịch đến từ các nước có mức thu nhập cao.
Cuối năm vừa qua, Công an Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ một nam thanh niên đến từ một nước vùng Ðông Á có hành vi móc túi tại khu vực phố cổ. Trước đó, nam thanh niên này đã thực hiện trót lọt vụ trộm cắp túi xách của một du khách nước ngoài với số tiền lên tới gần 1,8 tỷ đồng. Cùng thời gian, Công an Hà Nội đã bắt một đối tượng người nước ngoài khác về hành vi móc trộm ví của một khách du lịch người Nhật Bản. Trước đó, cuối tháng 11-2019, Công an Ðà Nẵng đã phát hiện, bắt giữ hai đối tượng người nước ngoài về hành vi trộm cắp tài sản của một khách du lịch người Hồng Kông (Trung Quốc). Khám xét nơi ở của các đối tượng này, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm tám người nước ngoài cùng quốc tịch với hai đối tượng nêu trên đang lưu trú với máy tính, máy in card và hàng trăm phôi thẻ để phục vụ hành vi lừa đảo. Mới đây nhất, vào đầu tháng 1-2020, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt một bị cáo người nước ngoài một năm tù khi đối tượng này có hành vi trộm cắp 9,4 triệu đồng của một hành khách trên chuyến bay từ Ðà Nẵng đến TP Hồ Chí Minh...
Từ đây, có thể thấy hoạt động của tội phạm người nước ngoài ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gồm cả trường hợp hoạt động theo băng nhóm, có tổ chức. Những trường hợp nêu trên là những vụ việc đã được lực lượng chức năng Việt Nam kịp thời xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể còn nhiều vụ không thể đi đến cùng, một phần do tâm lý e dè, ngại phiền phức của không ít khách du lịch, cho nên bị mất mà không khai báo. Mặt khác, do các đối tượng tội phạm cũng thường đội lốt khách du lịch để hành nghề, thường trà trộn vào những đoàn du khách và tiến hành trộm cắp nơi đông người, đạt được mục tiêu thì lập tức xuất cảnh, cho nên việc điều tra cũng như xử lý không dễ thực hiện. Những hành vi phạm pháp này tuy do một số đối tượng người nước ngoài gây ra, nhưng lại xảy ra ở các địa phương nước ta, cho nên không khỏi làm ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam, khiến du lịch nước ta dễ bị mang tiếng và mất điểm trong mắt bạn bè quốc tế.
Bên cạnh những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, toàn ngành du lịch đang dốc sức để có thể đối phó, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực mà dịch bệnh gây ra đối với du lịch nước nhà. Cùng với đó, một kế hoạch triển khai chương trình kích cầu lớn đang được xây dựng nhằm tiếp tục cơ cấu lại ngành du lịch, bù đắp lượng khách thiếu hụt từ thị trường khách Trung Quốc do dịch bệnh. Sắp tới là thời điểm hơn lúc nào hết, Việt Nam cần xây dựng và khẳng định về một điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện. Chính vì vậy, chúng ta cần triển khai những biện pháp ngăn chặn, xử lý mạnh mẽ đối với các hành vi phạm pháp của các đối tượng tội phạm người nước ngoài như đã nêu ở trên, loại bỏ các yếu tố tiêu cực, giúp môi trường du lịch ngày càng trong sạch.
Để làm được như vậy, cùng với hoạt động của các cơ quan chức năng, ngành du lịch ở các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát du lịch, nhất là ở những điểm đến thu hút đông khách, nhằm kịp thời xử lý những hành vi phạm pháp của các đối tượng người nước ngoài diễn ra trong môi trường du lịch. Bên cạnh đó, cần bổ sung hệ thống ca-mê-ra giám sát, đặc biệt ở những khu vực tập trung đông khách. Thực tế cho thấy, những đối tượng lợi dụng hình thức du lịch để phạm tội thường có chủ đích từ trước và Việt Nam chỉ là một trong những địa bàn được lựa chọn của chúng. Các cơ quan chức năng của Việt Nam và một số nước trong khu vực nên có sự liên kết để cảnh báo về những đối tượng đáng nghi, thực hiện chặt chẽ việc quản lý nhập cảnh với các đối tượng từng có vi phạm. Ðiều quan trọng là thông qua các phương tiện truyền thông và các đơn vị lữ hành, ngành du lịch nên có những khuyến cáo cần thiết đối với du khách về việc bảo đảm an ninh, an toàn cho bản thân khi đi du lịch, hướng dẫn những kỹ năng, hành động cần làm khi có bất trắc xảy ra, liên hệ ngay với hướng dẫn viên nếu đi theo tua hoặc với lực lượng chức năng của nước sở tại để được hỗ trợ xử lý, bảo đảm quyền lợi bản thân.
Trang Anh