Đến bản Bon (xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) là đến với di sản văn hóa Thái, di tích trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ và du lịch sinh thái lòng hồ sông Đà. Những năm gần đây, việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở bản Bon được chính quyền và người dân đầu tư, thu hút ngày một nhiều du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm du thuyền lòng hồ, lưu trú, thưởng thức ẩm thực dân tộc mang đậm nét văn hóa của người Thái trắng.
Để đến với bản Bon, du khách có thể đi theo đường hơn 40km từ huyện lỵ Quỳnh Nhai vào, hoặc du thuyền từ đầu cầu Pá Uôn ngược lên thượng nguồn Sông Đà, đến cột mốc trung tâm huyện cũ để chiêm ngưỡng cảnh quan sơn thuỷ hữu tình mênh mang sông nước...
Sau khi thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, diện tích đất canh tác nông nghiệp của bản Bon bị thu hẹp, người dân nơi đây đã dần chuyển hướng phát triển kinh tế trên vùng lòng hồ. Khai thác lợi thế có suối khoáng nóng, đặc trưng về văn hóa ẩm thực, văn hóa lễ hội, nếp nhà sàn truyền thống của người Thái trắng, người dân nơi đây đang từng bước đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, gắn với dịch vụ trên lòng hồ. Nguồn nước khoáng nóng của suối nước nóng bản Bon được chảy tự nhiên từ khe núi, không qua tác động của con người và nhiệt độ nước thường xuyên duy trì từ 40 - 45oC rất phù hợp để ngâm mình chữa bệnh, thư giãn và dưỡng da. Ngoài ra, khu suối nước nóng bản Bon còn có một thác nước và suối lạnh chảy ngay bên cạnh, tạo ra sự đa dạng trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan nơi đây.
Thác nước bản Bon
Giao thông đường thủy là hệ thống giao thông quan trọng trong tuyến du lịch vùng hồ Sông Đà cũng như trong sinh hoạt của người dân bản Bon. Để phục vụ cho du lịch trên sông cũng như phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng của người dân, nhiều bến thuyền được hình thành.
Địa bàn bản Bon, xã Mường Chiên có diện tích rừng phong phú, nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Thực vật có nhiều loại quý hiếm như nghiến, các loài tre trúc và dữ liệu động vật có các loài gấu, loài bò sát và hàng nghìn loài côn trùng tạo nên một quần thể sinh học đa dạng.
Du khách được ngủ nghỉ tại các ngôi nhà sàn truyền thống
Bản Bon có 152 hộ dân đều là đồng bào người Thái trắng sinh sống. Đến du lịch bản Bon, du khách ngoài được ngủ nghỉ tại các ngôi nhà sàn truyền thống, trải nghiệm dịch vụ tắm suối nước nóng thiên nhiên, du khách còn được cùng người dân bản địa trực tiếp vào bếp nấu nướng, thưởng thức các món ăn dân tộc, tìm hiểu công thức pha chế gia vị rất đặc trưng của đồng bào, thỏa thích lựa chọn các món quà lưu niệm cho người thân từ các sản phẩm mây tre đan do chính người dân tạo nên. Mỗi dịp nhà nào có đông khách đến lưu trú, các hội viên trong HTX lại hỗ trợ nhau nơi nghỉ, cùng nấu nướng, tiếp khách tạo sự thân thiện, gần gũi. Giá tại các nhà lưu trú cộng đồng ở bản Bon cũng rất hấp dẫn, chỉ với 50 nghìn đồng/người là du khách có thể lưu trú trong ngôi nhà sàn truyền thống khang trang, ngăn nắp, ấm cúng. Ngoài ra, một đội văn nghệ bản, với nhiều tiết mục hát múa đậm nét văn hóa Thái trắng luôn sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách những điệu dân ca, dân vũ như múa xoè, múa sạp, khắp tính tẩu…
Anh Điêu Văn Vỉnh, hội viên HTX Du lịch cộng đồng Bản Bon, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Một trong những đặc trưng nổi bật của người Thái tại bản Bon là văn hóa ẩm thực, trong mâm cơm của người Thái nơi đây có nhiều món ăn, mỗi món có hương vị đặc trưng riêng, đặc biệt là các món nướng. Nhưng phần lớn du khách đến đây đều rất thích món ăn dân tộc Thái như pa pỉnh tộp (cá nướng gập cả con), gà mọ, các loại rau rừng, măng rừng (măng đắng, măng nứa, măng giang…) canh bon, rêu suối… Lễ hội truyền thống là di sản văn hóa đặc sắc, lễ hội là tiếng nói, thể hiện ước muốn vươn tới những điều tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái tại bản Bon.
Nguồn nước khoáng nóng của suối nước nóng bản Bon được chảy tự nhiên từ khe núi
Theo quy hoạch về du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Quỳnh Nhai xác định đẩy mạnh phát triển du lịch lòng hồ và du lịch cộng đồng. Theo đó, huyện chú trọng khảo sát xây dựng kế hoạch tôn tạo, quy hoạch khu vực suối nước nóng bản Bon; xây dựng quy hoạch chi tiết điểm du lịch cộng đồng tại bản Bon, bản Quyền, bản Hua Sát... Cùng với đó, xã kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào du lịch cộng đồng trên địa bàn từ các đơn vị, doanh nghiệp, như HTX Du lịch Quỳnh Nhai, Quỳnh Nhai Travel. Mặt khác, tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc; thành lập câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc dân tộc Thái trắng”; mô hình “Ẩm thực dân tộc”; giữ gìn, bảo tồn các trò chơi dân gian, những điệu múa truyền thống của người Thái trắng...
Đến Quỳnh Nhai, Sơn La du ngoạn trên lòng hồ thủy điện, du khách đừng quên dừng chân bản Bon để thêm hiểu về phong tục tập quán, nét văn hoá đặc sắc, cũng như sự thân thiện mến khách của người dân nơi thượng nguồn sông Đà.
Thanh Hiền