(TITC) - Sáng ngày 31/5/2020 đã diễn ra Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 với chủ đề “Kết nối lữ hành: Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”.
Tham dự sự kiện có ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, các địa phương trong khu vực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực du lịch, truyền thông, công nghệ...
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết Thừa Thiên Huế - nơi “đô hội lớn của một phương”, từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của đất nước dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn; là miền đất địa linh nhân kiệt, văn hiến, có bề dày về văn hóa, có chiều sâu về lịch sử. Nơi đây còn lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một kinh đô với những giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá với 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế còn là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, được thiên nhiên ban tặng những di sản thiên nhiên kỳ vĩ.
Hình hài của một đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh” đang được hình thành và phát triển với hạt nhân là Thành phố Huế - thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival, thành phố Văn hóa ASEAN; thành phố xanh, sạch, sáng... Thừa Thiên Huế đang trở thành một Trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và cả nước, trong đó nền kinh tế được phát triển theo hướng xanh và bền vững; trong đó du lịch đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu khai mạc Diễn đàn
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động về du lịch của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tất cả kế hoạch quảng bá, xây dựng sản phẩm mới đều bị ngưng trệ; một số đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản; hàng ngàn lao động trong ngành du lịch bị cắt giảm, thôi việc, không có thu nhập... Thiệt hại về doanh thu từ du lịch 6 tháng đầu năm khoảng 2.250 tỷ đồng, lượng khách giảm 55% so với cùng kỳ.
Ông cho biết, Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án kích cầu du lịch năm 2020 – 2021, trong đó xác định các thị trường trọng tâm, ban hành nhiều giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới, đồng thời tập trung quảng bá thông qua các trang mạng xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí...
"Để thực hiện thành công việc kích cầu phục hồi và phát triển ngành du lịch Thừa Thiên Huế trở lại, các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Sự tham gia xây dựng, kết nối sản phẩm du lịch, đặc biệt giới thiệu, quảng bá, đưa khách đến Huế đối với các doanh nghiệp lữ hành là to lớn và cần thiết đối với chúng tôi", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn du lịch Huế 2020 với chủ đề “Kết nối lữ hành: Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận, tiếp nhận các đề xuất, hiến kế… góp phần phục hồi và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian ngắn nhất.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, phối hợp tích cực của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VHTTDL phát động để kích cầu du lịch nội địa.
Thông qua Diễn đàn du lịch Huế năm 2020 với chủ đề “Kết nối lữ hành: Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch sẽ được kết nối giao lưu, chia sẻ tầm nhìn, hướng đi trong thời gian tới và cùng hợp tác, hưởng ứng triển khai đồng loạt các gói sản phẩm kích cầu của Thừa Thiên Huế, giới thiệu những điểm đến mới, kích thích nhu cầu của khách nội địa trong dịp hè này. Đặc biệt, cần thu hút sự chú ý của người dân về các sự kiện văn hóa, thể thao gắn với du lịch và các chương trình lễ hội lớn của tỉnh, mà gần nhất là Festival Huế 2020 được tổ chức vào tháng 8 tới đây.
Với những nỗ lực và hành động quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng sự ủng hộ, kết nối của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch… Thứ trưởng tin tưởng rằng các hoạt động kích cầu của Thừa Thiên Huế sẽ nhận được sự quan tâm, tham gia của người dân cả nước, từng bước khôi phục ngành du lịch của tỉnh.
Về các định hướng giải pháp phục hồi thị trường du lịch trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đề nghị đối với thị trường nội địa bên cạnh việc triển khai các gói kích cầu du lịch, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch… cần chú trọng công tác truyền thông về đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại Diễn đàn
Đối với thị trường quốc tế, cần khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi được cho phép.
Về sản phẩm du lịch, thời gian tới chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong xu hướng lựa chọn của du khách, các địa phương, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các gói sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Phó Tổng cục trưởng cho biết, dưới góc độ quản lý nhà nước toàn ngành, Tổng cục Du lịch đã ban hành những kế hoạch và định hướng về việc xây dựng điểm đến du lịch phát triển bền vững. Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục là cầu nối, tổ chức làm việc với các doanh nghiệp để chuẩn bị các gói sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn.
Về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị các địa phương sẵn sàng tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch của Tổng cục Du lịch tổ chức tại các thị trường trọng điểm, cùng chung tiếng nói, quảng bá “du lịch Việt Nam an toàn” ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế toàn cầu.
Toàn cảnh Diễn đàn
Diễn đàn đã nghe Báo cáo của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế về đánh giá tác động của dịch Covid-19 và định hướng phục hồi, phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 -2021. Cùng với đó là tham luận của các đại biểu xung quanh nhu cầu và xu hướng du lịch nội địa trong bối cảnh mới, đặc điểm của khách du lịch Việt giai đoạn hậu Covid-19.
Nhân dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã công bố chính sách kích cầu du lịch của tỉnh và Chương trình hành động liên kết 3 địa phương (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) với chủ đề: “Điểm đến an toàn và mến khách”, cùng chuỗi lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao gắn với du lịch và các chương trình lớn của Festival Huế 2020.
Đặc biệt, nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa, tại diễn đàn, Hiệp hội du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu chương trình liên minh kích cầu của các đơn vị lữ hành, chương trình kích cầu của các cơ sở lưu trú, chương trình kích cầu của các doanh nghiệp dịch vụ.
Trong phần này, nhiều doanh nghiệp đã sôi nổi giới thiệu các sản phẩm, điểm đến, dịch vụ du lịch mới và độc đáo để làm điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Thừa Thiên Huế trong thời gian tới như: điểm đến du lịch YesHue Eco, dịch vụ thuyền du lịch mới trên sông Hương của HRS; Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng: nơi trải nghiệm kiến trúc cảnh quan và nghệ thuật đương đại Huế, điểm du lịch sinh thái Bạch Mã Village, làng du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh (phá Tam Giang), hệ sinh thái suối khoáng nóng Alba Wellness Valley, làng du lịch sinh thái cộng đồng Anor...
Diễn đàn cũng có sự tham gia ý kiến của các đơn vị trong các lĩnh vực viễn thông, marketing, công nghệ, truyền thông. Trong đó, đáng chú ý là thông tin giới thiệu về các sản phẩm công nghệ như Thẻ điện tử du lịch Huế của Vietel Pay; sự hỗ trợ của Mạng xã hội Tiktok đối với kích cầu du lịch nội địa. Hay như đề xuất về xúc tiến du lịch bằng truyền thông số đối với 3 địa phương miền Trung của Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn; xu hướng marketing trực tuyến của Công ty cổ phần Clever Group.
Trước đó, ngày 30/5 đã diễn ra lễ ký kết chương trình liên kết hành động phục hồi và phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Trong đó có nội dung ký kết của đại diện lãnh đạo UBND 3 địa phương; ký kết của Hiệp hội du lịch 3 địa phương; ký kết của Hiệp hội du lịch 3 địa phương với một số đối tác doanh nghiệp du lịch, dịch vụ./.
Tin: Truyền Phương; ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế