“Bài toán” mở cửa biên giới của EU
Cập nhật: 15/06/2020
Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch mở lại hoàn toàn các biên giới nội khối từ ngày 15-6 và cho phép du khách đến từ các quốc gia Balkan nhập cảnh từ ngày 1-7 tới. Kế hoạch trên được công bố trong thời điểm một số nước châu Âu nới lỏng hạn chế đi lại. 

Bất đồng về phương thức mở cửa 

Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước cần phối hợp, dỡ bỏ lệnh cấm đối với những trường hợp đi lại không thiết yếu đang áp đặt với các nước mà mức độ diễn biến dịch tương đương tại EU và các nước này cũng đang thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch tương tự. Theo EC, các hạn chế cần được dỡ bỏ từ ngày 1-7 đối với Albania, Bosnia -  Herzegovina, Mongtenegro, Bắc Macedonia và Serbia do đã kiểm soát được dịch Covid-19.

Nhịp sống trở lại bình thường sau khi Áo dỡ bỏ lệnh phong tỏa 

Do dịch bệnh bùng phát, EU đã phải áp dụng lệnh cấm đi lại kể từ tháng 3 vừa qua, chỉ có nhân viên y tế và những người có chứng nhận đi lại cấp thiết mới được phép vào khu vực Schengen. EC mong muốn mở lại các đường biên nội khối “một cách không phân biệt đối xử” vào ngày 15-6 tới. Mặc dù vậy, đến nay, một số quốc gia đã đạt được các thỏa thuận song phương hoặc đơn phương tuyên bố mở cửa biên giới và sân bay từ đầu tháng 6.

Sau khi thông tin trên được công bố, một số lo ngại về kế hoạch mở cửa với thế giới của EU đã xuất hiện vì cho rằng đã có một số quốc gia đang sốt sắng mở cửa biên giới với nước ngoại khối hơn những nước khác. Bên cạnh đó, việc đề xuất mở cửa biên giới nội khối cũng bộc lộ nhiều bất đồng chung quanh cách thức mở cửa giữa các thành viên. Bộ trưởng Du lịch Croatia Gari Capelli cho rằng, các nước EU cần mở lại biên giới một cách có trách nhiệm bằng việc ký các thỏa thuận song phương, nhất là giữa các nước có cùng cấp độ dịch bệnh, để bảo đảm dịch không bùng phát trở lại. Những nước có diễn biến dịch nguy hiểm thì cần thận trọng hơn và nên mở lại biên giới sau các nước khác.  

Tuy nhiên, việc ký thỏa thuận song phương lại vấp phải chỉ trích là phá vỡ các nguyên tắc tự do đi lại trước đây trong Schengen. Giới chức Italy phản đối các hiệp ước biên giới riêng lẻ giữa các quốc gia EU và cho rằng những thỏa thuận như vậy sẽ “hủy hoại” tính thống nhất của EU. 

Theo giới quan sát, các thành viên trong EU cần tìm ra lời giải cho “bài toán” cân bằng giữa mục tiêu chung và lợi ích riêng của mỗi quốc gia đối với việc phục hồi sau đại dịch.

Chìa khóa của kinh doanh 

Nằm trong nhóm ủng hộ quan điểm cho rằng việc đi lại giữa các nước là chìa khóa cho du lịch và kinh doanh, Áo đã đồng ý với việc mở cửa biên giới nội khối. Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg thông báo từ ngày 16-6, nước này sẽ mở cửa biên giới với Italy và cho phép việc tự do đi lại đối với những người đến từ hầu hết các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ gồm Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh, khi những người đến từ các nước này phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và tự cách ly trong 2 tuần. Tuần trước, Áo đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại đối với một số nước láng giềng, ngoại trừ Italy. 

Tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cho biết nước này sẽ dỡ bỏ kiểm soát biên giới với Thụy Sĩ, Pháp, Áo và Đan Mạch từ ngày 15-6 tới, song nhấn mạnh chính phủ sẽ cân nhắc lại nếu tình hình dịch bệnh xấu đi. Các quy định hiện hành đối với những người không phải công dân EU muốn tới Đức vẫn được duy trì tới cuối tháng 6. Hy Lạp thông báo kế hoạch mở cửa vùng trời với nhiều nước từ ngày 15-6, trong đó có một số nước ngoài EU như Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia. Thụy Sĩ cũng dự kiến mở lại hoàn toàn biên giới cho tất cả các nước láng giềng, trừ Italy, vào ngày 15-6 trong điều kiện dịch tễ cho phép.

Theo báo cáo của Liên minh châu Âu (EU), làn sóng nhiễm dịch Covid-19 đã vượt qua đỉnh điểm ở tất cả các nước trong khối, trừ Ba Lan và Thụy Điển. Tại các nước EU, tỷ lệ lây nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân.

Thanh Hằng

sggp.org.vn