Có một bản người Dao nằm nép mình dưới đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vỹ, sương mù bao phủ quanh năm. Cung đường uốn lượn như dải lụa cùng những nếp nhà sàn mái cọ rêu phong.
Sự thân thiện, hiếu khách của người dân hòa cùng những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc. Tất cả tạo nên vẻ quyến rũ, hoang sơ đầy mê đắm của vùng đất đại ngàn Xà Phìn, Phương Tiến (Vị Xuyên).
Một góc thôn Xà Phìn.
Men theo cung đường uốn lượn qua sườn núi, chúng tôi đến Xà Phìn vào một ngày đầu Đông. Đi qua cổng chào của thôn, bản nhỏ người Dao hiện ra thật bình dị và nên thơ. Những nếp nhà sàn nhỏ xinh nằm xen kẽ giữa các thửa ruộng bậc thang, thoắt ẩn thoắt hiện trong làn sương giăng lãng đãng. Mùa này, lúa đã gặt xong, không còn vẻ đẹp mĩ miều của mùa lúa chín nhưng những thửa ruộng bậc thang nối nhau trải dài đến tận chân trời xen kẽ giữa đồi cây, khe suối hòa cùng không gian khoáng đạt của núi rừng rẻo cao vẫn tạo nên một vẻ đẹp đầy mê hoặc.
Xà Phìn là thôn vùng cao của xã Phương Tiến, cung đường đèo dốc chênh vênh. Nằm ở độ cao 2.427 m so với mực nước biển, đỉnh Tây Côn Lĩnh được mệnh danh là nóc nhà của vùng Đông Bắc. Xà Phìn lại nằm trên cung đường chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, bởi vậy nơi đây rất phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm. Nếu là người yêu thích những cung đường khám phá, mạo hiểm của vùng núi cao thì ashắc hẳn du khách không nên bỏ qua vùng đất này. Đi qua Xà Phìn trên hành trình chinh phục nóc nhà của vùng Đông Bắc, du khách sẽ được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của người Dao bản địa, chiêm ngưỡng những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những thửa ruộng bậc thang kỳ vỹ từ trên cao, khám phá rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, đa dạng cùng những loài hoa rừng không tên mà mang vẻ đẹp quyến rũ đến nao lòng.
Thiếu nữ người Dao thôn Xà Phìn hái chè Shan tuyết.
Đón chúng tôi với cái nắm tay thật chặt cùng nụ cười hồn hậu, Trưởng thôn Xà Phìn Đặng Văn Háu vừa rót chén nước chè mời khách, vừa tâm sự: Thôn có khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây chè Shan tuyết. Nhiều gốc chè cổ thụ đã tồn tại bao đời nay, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất này. Người dân Xà Phìn gắn bó với cây chè lắm. Nhiều năm trở lại đây, chè Shan tuyết đã trở thành cây trồng “mũi nhọn” của thôn, đem lại thu nhập khá cho các gia đình. Cây chè sống trên những ngọn núi cao, quanh năm “tắm gió”, “uống sương” sản sinh ra những búp chè tươi mang tinh túy của đất trời, bởi vậy mà chất lượng rất thơm, ngon. Thôn đang định hướng tập trung phát triển du lịch và chè cũng được xác định là sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc trưng để phục vụ du khách.
Thôn Xà Phìn có 53 hộ dân tộc Dao sinh sống. Hiện nay, người dân vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Đó cũng là nền tảng để xã Phương Tiến đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Xà Phìn trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến, Cấn Văn Hiển cho biết: Với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch như nằm trên cung đường chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, nên thơ; người dân bản địa hồn hậu, mến khách cùng nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc còn được lưu giữ; cấp ủy, chính quyền xã xác định tập trung xây dựng thôn Xà Phìn thành làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu. Đồng thời, vận động nhân dân chỉnh trang đường làng ngõ xóm sạch đẹp, cải tạo khuôn viên nhà cửa để làm dịch vụ homestay. Mặc dù là điểm du lịch còn khá mới mẻ nhưng vài năm trở lại đây, khách du lịch trong và ngoài nước cũng dần biết đến Xà Phìn, đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, lưu trú tại thôn.
Đến Hà Giang, nếu đã quen thuộc với vùng Cao nguyên đá cùng các kỳ quan đi vào huyền thoại của miền cực Bắc thì bạn có thể một lần ghé thăm vùng đất nguyên sơ Xà Phìn. Đứng giữa những làn mây bay lơ lửng, ngắm nhìn khung cảnh thanh bình nơi rẻo cao, trải nghiệm cuộc sống cùng những nét văn hóa độc đáo của bản làng người Dao nơi đây và thỏa sức với hành trình vượt nắng, gió chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh chắc hẳn sẽ đem đến trải nghiệm vô cùng khó quên trong lòng du khách.
Bài, ảnh: Nguyễn Phương