Trải qua mấy mùa mưa nắng, những bức bích họa rực rỡ ở làng Cảnh Dương (xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Bình) giờ đã nhạt mầu theo thời gian. Nhưng dư âm về một vùng đất đậm bản sắc văn hóa miền biển vẫn níu chân du khách để hẹn ngày quay lại.
Làng chài nơi cửa sông Loan gần gũi với nhiều người từ bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”, với những lời ca thật trữ tình: “Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng…”. Nhưng từ năm 2018, du khách tìm đến đây còn bởi Cảnh Dương là làng bích họa đầu tiên của vùng đất “gió Lào cát trắng”. Với khoảng 50 bức bích họa 3D sinh động, lôi cuốn được vẽ dọc theo con đường từ đình thờ Tổ đến lối ra cửa biển, trên mỗi bức tường, cửa nhà… của dân làng Cảnh Dương đã không còn những mảng bê-tông xám, mà thay bằng những lát cắt đầy sức sống tái hiện lại lịch sử phát triển của làng.
Tại đây có những bức bích họa về thuở xa xưa lập ấp, lập làng, hình ảnh những ngư dân rắn rỏi vươn khơi hay thành kính trong lễ hội cầu ngư mong cho trời yên biển lặng, mùa màng bội thu. Trong nhiều bức bích họa, người ta còn thấy niềm tự hào về truyền thống của một vùng đất khoa bảng nổi tiếng được vinh danh trong “Bát danh hương” của Quảng Bình hay khẩu hiệu “Rào làng chiến đấu” ngùn ngụt khí thế cách mạng trong thời chống Pháp.
Không kém phần hấp dẫn là những bức bích họa tràn ngập mầu sắc tươi sáng ghi lại cuộc sống đời thường của những người dân đứng “nơi đầu sóng”. Khung cảnh bình dị với những chiếc thuyền thúng nằm yên bên bờ, cảnh chài lưới, tới hình ảnh những em bé xinh xắn tươi cười, chiếc xe đạp dựa sẵn bên con đường làng. Mộc mạc nhưng rất đỗi quen thuộc, ai tới Cảnh Dương cũng nhận ra đây là nhịp sống thường nhật, là không khí đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại làng.
Một phần không thể thiếu trong hành trình tới làng Cảnh Dương là Linh Ngư Miếu, đình thờ Tổ, nơi thờ các vị tiền hiền khai khẩn vùng đất này và nghĩa địa cá voi, nơi yên nghỉ của khoảng 17 “cá ông”, “cá bà”, đã “lụy” vào làng hàng trăm năm nay. Không chỉ hiểu được phong tục, nếp nghĩ của người dân miền biển, Cảnh Dương còn có không gian trưng bày hai bộ xương cá lớn dưới hình dạng nguyên thủy để mọi người chiêm ngưỡng, cũng như hiểu nguồn gốc của cái tên “Làng cá voi” mà dân trong vùng đặt cho nơi đây.
Bài & ảnh: Nguyễn Lê