Nếu khách có dịp đến với các thôn, bản vùng cao, nhất là ở các huyện giáp biên giới của tỉnh Lạng Sơn như Lộc Bình, Cao Lộc, Đình Lập..., sẽ còn được nhìn thấy những ngôi nhà trình tường nguyên vẹn rêu phong, cổ kính cùng năm tháng. Nhưng nếu không có cơ chế giữ gìn thì không lâu nữa, nhà trình tường sẽ vắng bóng nhiều.
Nhà trình tường ở Bản Khiếng, xã Hữu Khánh, được xây dựng từ một - hai tầng, đang có nguy cơ xuống cấp.
1/ Nhiều đời nay, bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chí... ở tỉnh Lạng Sơn thường dựng những ngôi nhà bằng đất để ở, gọi là nhà trình tường. Hiện nay, còn nhiều nhà trình tường một tầng và hai tầng ở các xã như Hữu Khánh, Yên Khoái... (Lộc Bình), Chiến Thắng (Chi Lăng)... được dựng hoàn toàn bằng đất sét nhưng vững chãi và kiên cố đã hàng trăm năm.
Trưởng thôn Bản Khiếng, xã Hữu Khánh Nông Hữu Tuấn cho biết: Thôn có 170 hộ dân chủ yếu là bà con các dân tộc Tày, Nùng. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, phát triển trồng cây lâm nghiệp như: cây thông, bạch đàn... Đời sống của bà con khá ổn định, số hộ nghèo ngày càng giảm, hộ đói không còn. Một số hộ dân (chiếm khoảng 30%) trong thôn vẫn giữ được những ngôi nhà trình tường bằng đất từ cha ông để lại, có những ngôi nhà có tuổi thọ hơn một trăm năm.
Bà Lý Thị Anh, người dân tộc Tày, năm nay 98 tuổi, ở thôn Bản Khiếng, dù tuổi đã cao nhưng khi nói về nhà trình tường, bà vui mừng kể lại: Từ lúc bà được sinh ra trên mảnh đất này đã được ở nhà trình tường bằng đất. Trước đây, 100% số hộ dân trong thôn, đều làm nhà trình tường. Khi làm nhà trình tường vui lắm, mọi người trong thôn, bản đều đến giúp ngày công, có nhà làm từ hai đến ba tháng mới xong nhà. Thường những ngôi nhà trình tường từ đất với độ dày của tường từ 40 - 50 cm, cao 4 - 5 m, diện tích trung bình của lòng nhà từ 60 - 80 m2... Nhà trình tường chủ yếu dựng bằng đất sét, dùng khuôn gỗ dài gần 2 m, rộng hơn 40 cm, đưa đất vào khuôn rồi dùng chày nén chặt, hết lớp nọ đến lớp kia; khi đến tâm giữa của khuôn thì dùng một cây tre già làm tâm điểm kết nối từng khuôn, tạo liên kết từng khuôn tường vững chắc.
Nhà trình tường mùa đông thì ấm, còn mùa hè thì mát. Kết cấu nhà trình tường thường được bà con chia ra làm nhiều gian, ngăn này thông ra ngăn kia, có cửa gỗ kiên cố chia từng ngăn để ở. Các bộ phận khác như: bếp, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm được nối liền với nhà chính bằng một hành lang cũng khép kín toàn bộ ngôi nhà. Trong kiểu nhà trình tường hai tầng, thì tầng hai được lát bằng gỗ ván, vừa để ở, vừa để chứa các vật dụng đựng thóc, ngô...
2/ Những năm gần đây, người dân đang có xu hướng xây dựng những ngôi nhà cấp bốn bằng gạch, bê-tông... Thế nên những ngôi nhà trình tường ở các bản làng vùng cao, vùng biên giới của tỉnh đang dần bị mai một. Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình Hoàng Văn Chiều cho biết: Để có thể bảo tồn và giữ gìn những ngôi nhà trình tường, cần có sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền cho người dân ý thức cũng như kiến thức bảo tồn vốn quý mà cha ông ta đã để lại. Hạn chế việc nâng cấp hay tu sửa vì sẽ làm thay đổi kết cấu nguyên bản của ngôi nhà. Ngoài ra, cần khuyến khích người dân bảo tồn nhà cửa, trang phục, nghề thủ công truyền thống để bà con hiểu và có thể thực hiện tốt việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây là những di sản quý báu góp phần quan trọng trong hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch tới du khách khi đến thăm Lạng Sơn, nơi mang đậm giá trị văn hóa của các dân tộc ở địa phương.
Hùng Tráng