Không chỉ đem đến nguồn điện năng hữu ích, lòng hồ rộng lớn của công trình Thủy điện Thượng Kon Tum còn đem lại tiềm năng to lớn trong phát triển nuôi cá nước ngọt, và hứa hẹn trở thành điểm đến độc đáo, hấp dẫn, nếu được đầu tư đúng mức.
Không ít lần về Đăk Tăng, song lần đầu đến lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum, chúng tôi vẫn không khỏi nôn nao, háo hức. Xuất phát từ trung tâm thị trấn Măng Đen tầm trưa, chỉ mất hơn 30 phút đã đến xã Đăk Tăng. Từ làng Vi Ring, đoạn cách trụ sở Đảng ủy, UBND xã chừng 5 cây số trên Tỉnh lộ 676, rẽ vào chừng 100 mét, xe dừng ở ngay đập chính công trình thủy điện. Yên vị trong chiếc ca nô mượn sẵn của trạm kiểm lâm, thật hào hứng khi được “thả” người theo con nước tròng trành, ngược về phía đầu nguồn lòng hồ.
Mênh mang sơn thủy giữa lòng hồ Đăk Tăng gợi nhớ cảm giác sảng khoái trên xuồng máy nơi lòng hồ Thủy điện Sê San, song ở đây, đồi núi chập chùng hai bên bờ lại như gần hơn, rừng dày hơn và màu cây thẫm xanh hơn. Dõi theo tầm mắt, cảnh sắc non nước thiên nhiên như vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ, cuốn hút. Giữa mênh mang sóng nước, thỉnh thoảng, lại bắt gặp từng lùm cây, gò đất nhô lên, trông như những nét tranh vừa xa xôi vừa gần gũi. Dấu tích của làng cũ mà dân cư đã được dời đi vẫn còn đó, trong làn nước hồ trong xanh như nhắc nhớ về một thời đã qua.
Thác Rô Sia - đầu nguồn lòng hồ. Ảnh: T.N
Sau hơn nửa tiếng đồng hồ, xuồng máy cập bờ đầu nguồn. Không gian tĩnh lặng nên nghe rất vang tiếng nước ầm ào. Không cao lớn, kỳ vĩ, dòng thác tung bọt trắng xóa ở đây mang một vẻ đẹp yên bình. Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng Trần Văn Nết cho hay, đồng bào ở đây vẫn gọi ngọn thác này là thác Rô Sia. Bởi thác nằm tại địa bàn làng Rô Sia (cũ) nên từ thuở xa xưa, đã thành tên. Càng thú vị hơn, khi biết rằng đây chính là một tầng thác trên sông Đăk S’Nghé bắt nguồn từ vùng rừng núi Quảng Ngãi, chảy vào địa phận tỉnh Kon Tum qua điểm đầu ở làng Đăk Lanh (xã Măng Bút).
Nằm giữa vùng rừng nguyên sinh khá rộng, thác Rô Sia mang hình dạng một khuôn nhạc mộc mạc mà ấn tượng. Không chỉ dừng chân chiêm ngắm, chụp ảnh lưu niệm bên dòng nước bạc mải miết tuôn trào, mọi người còn có thời gian rảo bước dạo quanh vùng rừng liền kề với nhiều loại cây lâu năm mang nhiều dáng hình lạ mắt. Khu vực dưới chân thác tạo thành vùng nước sâu là nơi thả câu lý tưởng của các chàng trai đã cất công đến đây qua đoạn đường bộ từ phía làng cũ. Tình cờ gặp những người dân địa phương và câu chuyện thoáng qua với họ cũng để lại thêm điều muốn tìm hiểu về dân làng và nếp làng xưa.
Rời điểm đầu nguồn thác nước, mọi người lên xuồng, quay lại điểm xuất phát bờ đập lòng hồ Đăk Tăng thì trời đã ngả về chiều. Trong ráng vàng nhàn nhạt, lòng hồ hiện ra mênh mông, thoáng đãng.
Là một trong số xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Kon Plông, những năm gần đây, Đăk Tăng được biết đến nhiều hơn không chỉ bởi là địa phương có sự chuyển mình đáng kể nhờ đồng bào địa phương biết trồng cà phê, cây dược liệu (sâm dây, đương quy), mà còn bởi là nơi đầu nguồn Thủy điện Thượng Kon Tum. Công trình có công suất 220 MW được ghi nhận với nhiều cái “nhất” trong hệ thống các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước. Có thể kể đến đường hầm dài nhất - khoảng 17,5km, đập đất cao nhất - 80m, cột nước cao nhất -994m…
Trên lòng hồ Đăk Tăng. Ảnh: T.N
Mặc dù nhiều hộ dân Đăk Tăng đã phải di dời khỏi làng cũ đã an cư để nhường chỗ cho công trình thủy điện, song theo ông Trần Văn Nết, riêng mặt hồ rộng trên 720 ha và khả năng phân bố hơn 15 km chiều dài lòng hồ tại địa bàn xã đã được xem là điều kiện thuận lợi để khai thác, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thấy rõ tiềm năng cảnh quan thiên nhiên và nguồn lợi thủy sản của lòng hồ thủy điện này, thời gian qua, chính quyền và người dân xã Đăk Tăng đã có một số hoạt động mang tính “khởi động” nhằm biến lợi thế, tiềm năng thành cơ hội mới. Đoạn đường dài khoảng 100m dẫn vào khu đập nước đã được xã đầu tư thi công hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho việc đi lại. Gắn với việc tiếp nhận hỗ trợ thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ, bà con đã mạnh dạn đầu tư mua sắm khoảng 30 chiếc xuồng để chủ động phương tiện đánh bắt cá cải thiện bữa ăn hàng ngày, bước đầu có bán ra, góp phần phục vụ sinh hoạt người dân vùng sâu vùng xa. Vài chiếc bè thô có mái che cũng được thả neo trên mặt nước làm chỗ dừng chân, thư giãn… Không ít người dân Đăk Tăng đã đến đây với niềm vui đơn sơ trên chính mảnh đất của mình.
Thời gian không nhiều, song trước khi rời đi trong một buổi chiều tà nhẹ nhõm, trên chiếc bè lán thô mộc còn thẫm màu tranh tre, chúng tôi thưởng thức món cá nướng lửa than hấp dẫn; là những con cá lóc, cá chép béo ngậy, tươi ngon, được bắt lên từ chính lòng hồ.
Chuyến trải nghiệm lòng hồ Đăk Tăng tuy ngắn, song để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng mọi người. Với cảnh quan thiên nhiên riêng có và nguồn lợi thủy sản đặc trưng, có thể nhận thấy, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn ở vùng sâu vùng xa, góp phần tạo nên sự thu hút khả thi trong chuỗi kết nối du lịch gắn với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen.
Với đặc trưng được nhìn nhận trước mắt là loại hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan, khám phá, tại điểm đến này có thể hình thành một “tour” liên hoàn gồm các hoạt động: Thưởng ngoạn, khám phá thác Rô Sia gắn với tham quan, trải nghiệm khu vực rừng tự nhiên trong khu vực đầu nguồn; trải nghiệm “chu du” trên lòng hồ; dừng chân nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực cá nước ngọt lòng hồ và sản phẩm rượu ghè truyền thống của người Xơ Đăng địa phương… Xa hơn, cũng có thể tính đến khai thác một số loại hình du lịch mạo hiểm như đu dây, chèo thuyền… Và dĩ nhiên, với đặc thù loại hình du lịch lòng hồ, yếu tố an toàn cần được quan tâm trước tiên, luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu.
Thấy rõ tiềm năng lòng hồ, bước đầu, UBND huyện Kon Plông đã thống nhất tạo điều kiện để Công ty ADC (Thành phố Hồ Chí Minh) đến tìm hiểu, khảo sát thực tế cho dự án nuôi cá nước ngọt kết hợp du lịch lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum. Tuy vậy, để có thể đưa lòng hồ tiềm năng này thực sự thành “điểm đến” trong tương lai, theo ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, hiện nay, huyện cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ để bổ sung, đưa khu vực này vào quy hoạch chi tiết phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum nói chung, huyện Kon Plông nói riêng, giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, thống nhất lập dự án kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tiềm lực, nhằm biến ý tưởng xây dựng khu vực lòng hồ Đăk Tăng thành điểm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn thành hiện thực.
Thanh Như