Hà Giang là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc; có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình; thời tiết, khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ; nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc được giữ gìn và phát huy... là tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển du lịch.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Km0, thành phố Hà Giang. Ảnh: Tư liệu
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy du lịch phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên; hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch được quan tâm đầu tư; một số khu, điểm du lịch dần được hình thành, các làng văn hóa du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả... thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Giang, tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 15%/năm. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Hà Giang nhanh chóng phục hồi trở lại, đón 1,5 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019); tạo ra 12.000 việc làm, trong đó có 6.000 việc làm trực tiếp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu năm 2021, Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam do hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn. Bên cạnh kết quả đạt được, so với tiềm năng của tỉnh du lịch phát triển chưa tương xứng, còn bộc lộ một số hạn chế như: Quy hoạch và kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu các điểm vui chơi, giải trí cho du khách. Các hoạt động du lịch thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm đơn điệu, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường du lịch của các tỉnh trong khu vực. Chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong quản lý chưa chặt chẽ. Các cơ sở kinh doanh du lịch chưa chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, chuyển đổi số về du lịch.
Vừa qua, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận của người dân, đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030... Trong đó xác định phát triển du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhất là quản lý tốt quy hoạch Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung huy động các nguồn lực cho phát triến du lịch. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Tăng cường liên kết, hợp tác, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Hà Giang. Mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa. Xây dựng du lịch Hà Giang theo hướng chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao, gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, đảm bảo phát triển bền vững. Chú trọng phát triển du lịch nội địa, kết hợp phục hồi kinh tế - xã hội gắn với kiểm soát dịch bệnh Covid-19, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại. Hình thành một số khu, điểm du lịch, dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, nhất là du lịch cộng đồng. Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc trong khu vực miền núi phía Bắc. Đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, có 1 khu du lịch được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; thu hút 3 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo ra 28.200 việc làm, trong đó, có 14.100 việc làm trực tiếp. Định hướng đến năm 2030, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là khu du lịch quốc gia; thu hút 5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 20.600 tỷ đồng, đóng góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động trực tiếp.
Để thực hiện các quan điểm và mục tiêu trên, tỉnh xác định 5 nhóm giải pháp chính là nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng có tính cạnh tranh cao; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực đoàn kết quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, du lịch Hà Giang sẽ khởi sắc, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình của du khách./.
Nguyễn Thị Hoài
(Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch)