Là địa phương có nhiều ưu thế và tiềm năng, nhưng trước sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến ngành Du lịch Lâm Đồng có tăng trưởng sụt giảm. Và, liệu bức tranh du lịch của tỉnh Lâm Đồng có khởi sắc thời gian tới đây, đặc biệt năm 2022, bởi đó là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết lần thứ XI của tỉnh Đảng bộ?
Hy vọng “trái tim của Đà Lạt”- hồ Xuân Hương sẽ rộn ràng du khách
Ước đạt hơn 63% kế hoạch của năm 2021
“Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và lây lan nhanh trên cả nước đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch. Đa số các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch tạm ngừng hoạt động kinh doanh, một số doanh nghiệp giải thể hoặc rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa”, đó là một trong những nhận định của UBND tỉnh Lâm Đồng vào cuối tháng 8/2021. Cũng thông tin từ UBND tỉnh, tổng khách du lịch đến Lâm Đồng năm 2021 ước đạt 2.493 ngàn lượt, đạt 62,32% kế hoạch năm, giảm 27% so cùng kỳ. Trong đó, khách qua lưu trú ước đạt 2.173 ngàn lượt, đạt 54,1% kế hoạch, giảm 40,5%; khách quốc tế ước đạt 16.889 lượt, đạt 11,3% kế hoạch, giảm 85,9%.
Cũng như các địa phương trong cả nước, dịch bệnh COVID -19 đã ảnh hưởng mạnh đến kế hoạch phát triển chung của tỉnh Lâm Đồng và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại... Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tạm dừng các dịch vụ kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh từ ngày 17/8/2021. Tính đến ngày 30/8/2021, số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có 1.550 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tập trung chủ yếu thuộc các lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, giáo dục... Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, riêng đối với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có 21 người được hỗ trợ gần 78 triệu đồng; hỗ trợ 265 hộ kinh doanh (trong đó có lĩnh vực du lịch, dịch vụ) với tổng số tiền đã chi 795 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có một doanh nghiệp với 407 lao động, mức đã thực chi trên 1,5 tỷ đồng...
Dự kiến tăng trên 103% khách lưu trú năm 2022
Năm 2022 là năm thứ 2 tỉnh thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết XI của tỉnh Đảng bộ, Lâm Đồng dự báo kinh tế phục hồi chậm, lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất khẩu... tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19... Trên cơ sở ước đạt kết quả thực hiện kế hoạch năm 2021 cùng với định hướng từ nghị quyết của tỉnh, chỉ tiêu Lâm Đồng dự kiến về tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) tăng từ 6,5-7,5%; trong đó, khu vực dịch vụ tăng cao nhất, từ 7,6-8,9%. Cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ cũng chiếm cao nhất, từ 40-40,1%. GRDP bình quân đầu người đạt từ 74,2-74,9 triệu đồng/người. Riêng lĩnh vực du lịch, tổng lượt khách đăng ký qua lưu trú 5.000 ngàn lượt, tăng 103,1% so với năm 2021; trong đó, khách quốc tế 150 ngàn lượt, tăng 787,6% so với năm 2021.
Để thực sự khởi sắc bức tranh du lịch trên địa bàn tỉnh, dĩ nhiên cần nhiều yếu tố: thiên thời, địa lợi và những kế hoạch, các giải pháp và mức độ triển khai thực hiện của Lâm Đồng. UBND tỉnh cho biết, thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch lấy chất lượng làm trọng tâm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến du lịch, kết nối du lịch trong nước và quốc tế để phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch gắn với phát triển kinh tế về đêm (thí điểm tại thành phố Đà Lạt). Xây dựng chương trình kích cầu du lịch tại chỗ “Người địa phương đi du lịch địa phương”. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để kích cầu du lịch ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, điểm du lịch chất lượng cao như: nâng cấp, mở rộng dự án Khu Du lịch thác Bobla ở huyện Di Linh; các khu du lịch ở Đà Lạt như: Thung lũng Tình Yêu, thác Prenn và một số dự án tại Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm,... Một số công trình trọng điểm có tác động đến phát triển ngành du lịch sẽ ưu tiên tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ như đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; khu đô thị, thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh; dự án Khu Du lịch Đankia - Suối Vàng; khu trung tâm Hòa Bình; các bãi đậu xe tại các cửa ngõ ra vào thành phố Đà Lạt. Dĩ nhiên, cùng đó là các kế hoạch, giải pháp đồng bộ và toàn diện về phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh...
Tỉnh Lâm Đồng cũng xác định: “Phát triển mạnh khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại, nhất là các dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao, như: du lịch, bán buôn, bán lẻ các mặt hàng nông sản; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính - viễn thông”./.
Minh Đạo