Tỉnh Quảng Bình lên kế hoạch phục hồi du lịch theo 2 giai đoạn, đó là tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, sẵn sàng phục vụ du khách và khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện “bình thường mới”.
Quảng Bình đón chuyến tàu charter tuyến Hà Nội - Đồng Hới lúc chưa có dịch. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Theo đó, nhằm từng bước phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh Quảng Bình và các địa phương trên cả nước dần kiểm soát được dịch bệnh và thích ứng an toàn với COVID-19, đồng thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các cơ sở lưu trú, đơn vị hoạt động du lịch, tạo việc làm cho người lao động…, kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch của Quảng Bình sẽ được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ nay cho đến hết năm 2021: Tập trung sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị, vệ sinh môi trường tại các cơ sở lưu trú, đơn vị hoạt động du lịch, địa điểm cung cấp dịch vụ du lịch… để sẵn sàng đón, phục vụ du khách.
Đồng thời chuẩn bị nhân lực và đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng cáo sản phẩm du lịch, triển khai thí điểm một số sản phẩm du lịch trọn gói theo quy trình khép kín, du lịch theo "luồng xanh".
Các cơ sở lưu trú phục vụ khách lưu trú có “thẻ xanh COVID-19”, “thẻ vàng COVID-19” được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử; đón khách theo các chương trình tham quan du lịch khép kín bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định. Triển khai chương trình trọn gói cho khách du lịch nội tỉnh tham quan các sản phẩm du lịch với số lượng khách hạn chế và lưu trú tại các cơ sở bảo đảm điều kiện an toàn…
Xây dựng các sản phẩm du lịch mới vừa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch với các loại hình đa dạng, từ du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, đến du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực, thể thao, giải trí cao cấp…
Giai đoạn 2, bắt đầu từ 1/1/2022 cho đến hết năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, các hoạt động kinh tế-xã hội mở trở lại. Giai đoạn này Quảng Bình tập trung khôi phục các hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện mới.
Trong đó, tỉnh sẽ đa dạng hóa, phát triển thêm các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch nông nghiệp, thể thao cao cấp, du lịch đêm, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số…
Phát triển các sản phẩm du lịch chung trong các vùng liên kết Bắc Trung Bộ, Quảng Bình đến Quảng Nam theo các nhóm thị trường khách nội địa và quốc tế. Xúc tiến mở các đường bay nội địa từ các trung tâm du lịch lớn trong cả nước đến Quảng Bình có khả năng kết nối, tích hợp để trung chuyển khách quốc tế đến Quảng Bình…
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trước mắt để hỗ trợ phát triển nhân lực du lịch, Sở kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động trong lĩnh vực du lịch và các ngành phụ trợ trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du lịch, người dân tại các vùng ưu tiên phát triển du lịch; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người lao động kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Về mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch, Sở đề xuất cho phép triển khai các chương trình du lịch trọn gói cho khách nội tỉnh. Triển khai các chương trình tham quan theo quy trình khép kín cho khách nội địa đến Quảng Bình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bằng các chuyến bay, tàu hỏa, ô tô charter với hình thức thí điểm trong giai đoạn từ 1/10 đến 31/12 và tiếp tục mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.
Lưu Hương