Hà Nội: ''Xanh hóa'' làng quê Ba Vì
Cập nhật: 30/12/2021
Đi dọc những tuyến đường qua các xã, thị trấn của huyện Ba Vì, đâu đâu cũng bắt gặp những đường hoa, hàng cây xanh; những cánh đồng đang triển khai các mô hình sản xuất sạch, bảo vệ môi trường… Có thể khẳng định, với các phong trào “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Đoạn đường nở hoa”…, nông dân huyện Ba Vì đã, đang “xanh hóa” làng quê, góp phần xây dựng huyện miền núi của Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Gìn giữ, bảo vệ môi trường

Đến xã Tản Lĩnh những ngày này, điều đầu tiên thu hút sự chú ý là những đường cây, đường hoa nhiều màu sắc, không rác thải. Bà Đặng Thị Ninh ở thôn Việt Long (xã Tản Lĩnh) cho biết, triển khai cuộc vận động “Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường, phố và nơi công cộng”, cùng với việc thành lập các tổ thu gom rác thải tại địa phương, cứ vào thứ bảy hằng tuần người dân trong thôn lại bảo nhau mỗi người một việc, từ chăm sóc đường hoa, hàng cây đến quét dọn ngõ xóm… Việc này không chỉ góp phần làm cho làng trên, xóm dưới ngày càng xanh, sạch hơn mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi người dân.

Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng thông tin, nhờ tích cực triển khai các phong trào giữ gìn, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất và trong đời sống hằng ngày, xã Tản Lĩnh đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất sạch, đặc biệt là thông qua các phong trào của Hội Nông dân xã, ý thức “sống xanh”, thân thiện với môi trường của cộng đồng cư dân đã được nâng lên.

Tương tự, tại xã Thụy An, người dân không chỉ làm cho đường làng, ngõ xóm xanh hơn, sạch hơn mà còn xây dựng những “cánh đồng xanh”, "trang trại xanh"..., góp phần thiết thực bảo vệ môi trường. Ông Ngô Trọng Hiển (thôn Đông Cao, xã Thụy An) cho biết: "Với diện tích trang trại 30.000m2, nuôi 10.000 gà đẻ trứng, 20.000 gà thịt mỗi năm, gia đình tôi đã tự chế biến được thức ăn chăn nuôi; đồng thời chủ động xây dựng mô hình sản xuất sạch gắn với quy trình chăn nuôi an toàn; qua đó, gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa bảo vệ môi trường".

Nói về các hoạt động bảo vệ môi trường của nông dân trên địa bàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Đinh Thị Bích Hảo chia sẻ: “Làm cho quê hương thêm xanh, tạo nền tảng để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử…, Hội Nông dân các cấp của huyện đã phối hợp với các đoàn thể vận động bà con thường xuyên tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm; đồng thời xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh, điển hình là mô hình trồng chè VietGAP ở các xã: Ba Trại, Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài... Cùng với việc triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường, phố và nơi công cộng”, đến nay đã có 100% hội viên ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư. Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kỹ năng, nhận thức cho hội viên, qua đó thay đổi tư duy, thói quen canh tác, góp phần bảo vệ môi trường”.

Làm cho làng quê xanh, sạch hơn

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Ba Vì, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành thêm 31 mô hình nông dân bảo vệ môi trường, nâng tổng số mô hình toàn huyện lên 73; đảm nhận 206 đoạn đường tự quản; vận động 29.283 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn, thu gom rác thải, chăm sóc các đoạn đường cây, đường hoa. Có thể nói, các phong trào xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp của Hội Nông dân huyện Ba Vì đã góp phần hình thành nếp sống “xanh”, thân thiện với môi trường trong cộng đồng và tạo sức lan tỏa.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng (thôn Vân Sa 3, xã Tản Hồng) chia sẻ: “Các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp của Hội Nông dân huyện Ba Vì đã lan tỏa mạnh mẽ đến từng xóm, làng..., góp phần tạo dựng cảnh quan làng quê, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Chúng tôi sẽ tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường để làng quê ngày càng phong quang, sạch đẹp hơn”.

Về hiệu quả của các phong trào gìn giữ, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân các cấp của huyện đã phối hợp tổ chức được 106 buổi tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư, thu hút 10.650 lượt người tham gia; mở 19 lớp tập huấn cho 1.523 lượt người về sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi; cung cấp 40 gói chế phẩm sinh học cho hội viên nông dân xã Chu Minh xử lý chất thải sinh hoạt… Những con số nêu trên cho thấy sự nỗ lực của hội viên nông dân, đồng thời góp phần giúp Ba Vì trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái.

Việc triển khai hiệu quả các phong trào bảo vệ môi trường đã giúp làng quê Ba Vì ngày càng xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó, người dân Ba Vì đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương.

Đỗ Minh

 

Báo Hà Nội mới