Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, nhiều di sản của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã được công nhận và đưa vào diện cần bảo tồn, phát huy. Nắm bắt được điều đó, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của địa phương.
Những năm qua, huyện Đồng Hỷ luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương. Trong ảnh: Trang phục truyền thống của dân tộc Dao của xã Hợp Tiến.
Huyện Đồng Hỷ có nhiều di sản văn hóa, danh thắng thắng cảnh mang nét đặc trưng riêng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, như: Hang Chùa (xã Văn Lăng) – một trong những thắng cảnh đẹp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích cấp Quốc gia; đền Long Giàn (xã Khe Mo) - ngôi đền duy nhất trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc thờ Hai Bà Trưng…
Cùng với đó, huyện cũng có nhiều di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu như: Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; nghi lễ Hét Khoăn của người Nùng; nghi lễ Cấp sắc của người Dao; nghệ thuật Khèn của người Mông... Ngoài ra, Đồng Hỷ hiện có 46 điểm di tích, trong đó 10 di tích được xếp hạng (1 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh); 36 điểm di tích nằm trong danh mục kiểm kê giao cho UBND các xã, thị trấn trực tiếp quản lý.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh thắng, di sản văn hóa trên địa bàn, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đồng Hỷ nhiệm kỳ 2020-2025 đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo UBND huyện xây dựng Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng gắn với phát triển làng nghề để phát triển du lịch huyện Đồng Hỷ, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đề án có tổng kinh phí thực hiện gần 50 tỷ đồng. Mục tiêu của Đề án nhằm tạo đột phá trong xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hướng tới phục vụ mục đích phát triển du lịch.
Để đề án nhanh chóng đi vào cuộc sống, UBND huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lễ hội truyền thống và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn. Huyện cũng chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, như: Tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ định kỳ 2 năm/lần; liên hoan nghệ thuật quần chúng; liên hoan tiếng hát dân tộc Nùng; liên hoan tiếng hát dân tộc Sán Dìu.... Đối với các di sản văn hóa vật thể, di tích văn hóa - lịch sử, Đồng Hỷ tập trung nguồn lực để trùng tu các địa điểm như: Đình Hóa Thượng ( xã Hóa Thượng); địa điểm lưu niệm 5 liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 913 (xã Nam Hòa); đền Hích ( xã Hòa Bình); danh thắng Hang Chùa (xã Văn Lăng)...
Qua đó, nhiều nét văn hóa đa dạng đang được giữ gìn và xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo du khách. Tuy nhiên, một số di tích có giá trị về danh lam thắng cảnh trên địa bàn hiện nay vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa huy động được các nhà đầu tư xây dựng thành địa điểm du lịch; một số di tích thuộc địa bàn các xã Nam Hòa, Hợp Tiến hiện nay quỹ đất thuộc quản lý của các hộ dân nên khó khăn trong việc khoanh vùng, bảo vệ…
Theo ông Đàm Thế Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Hỷ: Bám sát mục tiêu của Đề án, trong thời gian tới, Phòng Văn hóa –Thông tin sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích; huy động mọi nguồn đầu tư cho công tác tôn tạo, trùng tu các di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện sẽ khuyến khích các địa phương xây dựng, cụ thể hóa chương trình hành động riêng, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương.
Xuân Hạ (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)