Dù không hẳn là “tín đồ” của văn hóa trà, tôi vẫn tìm thấy những điều mới mẻ, những trải nghiệm vui khi đến với những đồi chè ở xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Miền quê xinh đẹp nằm ở sườn đông dãy núi Tam Đảo đang vào mùa chè xanh, lúa vàng. Đứng trên những đồi chè bao la, mọi giác quan đều được “làm mát”, cái oi nóng giữa hè dường như tan biến.
“Trà” là tên gọi của thành phẩm, của một loại đồ uống. Còn “chè” để chỉ cây chè thời điểm trồng, chăm sóc và thu hoạch. Nhiều người đã biết như vậy. Song nếu muốn tìm hiểu chè có bao nhiêu loại, trồng khác nhau thế nào, từng bộ phận trên cây gọi là gì, có bao nhiêu cách chế biến... thì có lẽ phải đến tận nơi. Cách Hà Nội khoảng hơn 100km, xã Hoàng Nông là điểm đến hợp lý cho một chuyến trải nghiệm thiên nhiên, bao gồm cả vùng trồng chè và một góc rừng nguyên sinh thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo. Tôi chọn ở Hoàng Nông Farm tại xóm Đoàn Thắng, một nơi lưu trú được cải tạo từ nhà sàn người Dao bản địa, nép mình dưới chân đồi chè, kề dòng suối nhỏ đêm ngày róc rách với cảnh quan mát dịu để khám phá về loại cây thức uống này.
Bạn có thể đi bộ hoặc đạp xe trên những con đường nhỏ quanh co để tham quan nương chè. Cây chè thường được trồng trên những khu đồi cao để đón nhiều ánh sáng và sương sớm. Bốn bề quanh tôi, vô số luống chè được chia đều tăm tắp, uốn lượn như sóng theo từng lớp đất đồi. Đến gần hơn để quan sát, những lá chè non xanh nõn óng ánh trong nắng. Các bà, các cô đi hái chè thì tay dẻo như đang múa. Ngoài chiếc gùi, ai nấy đều mang theo một chiếc ô để che nắng. Trong buổi sớm, dưới ánh mặt trời những tán ô đủ mầu tạo thành một hình ảnh lạ mắt trên đồi. Tôi cũng thấy một nhóm du khách thích thú khi được người dân hướng dẫn cùng hái chè. Họ có thể mang phần chè tự tay thu hái này về xưởng, tiếp tục sao, sấy rồi đóng gói thành món quà mang về tặng người thân, bè bạn.
Mới sớm tinh mơ tôi đã dậy sớm và lên đồi để thử cảm giác đón bình minh cùng những búp chè sau một đêm hè còn đọng hơi sương. Phía xa xa là non cao trập trùng, đỉnh khuất sau mây. Từ những thôn làng nhỏ, cư dân ra ngoài và bắt đầu nhịp sống ngày mới của mình, tô điểm cho cảnh tượng miền núi ấy thêm phần sống động.
Bài và ảnh: Mỹ Hạnh