Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (PVVHNTQGVN) tại Huế làm gì để góp phần phát triển văn hóa Huế; đưa Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về văn hóa ngày càng đi vào cuộc sống, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ trăn trở như vậy khi làm việc với phân viện chiều 7/7.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi làm việc
Cùng làm việc với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ còn có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát huy vai trò bảo tồn văn hóa
Tại buổi làm việc, TS. Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng PVVHNTQGVN tại Huế cho biết, đơn vị có chức năng nghiên cứu, triển khai các hoạt động khoa học về văn hóa, nghệ thuật và văn hóa du lịch tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Bắc Tây Nguyên.
Thời gian qua, PVVHNTQGVN tại Huế đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp trên địa bàn miền Trung và Thừa Thiên Huế; bảo tồn văn hóa phi vật thể trên địa bàn miền Trung và Thừa Thiên Huế… Đó là, nhạc lễ Phật giáo ở Huế; lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương Hạ; bảo tồn tín ngưỡng của cư dân thủy diện ở đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề đóng thuyền truyền thống ở Thừa Thiên Huế; phục dựng di sản nhà rường…
PVVHNTQGVN tại Huế cũng thường xuyên hợp tác nghiên cứu khoa học với các viện, trường đại học, các cơ quan trên địa bàn miền Trung; tăng cường hợp tác quốc tế; xuất bản sách về văn hóa trên địa bàn Thừa Thiên Huế; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, hội nghị khoa học; hợp tác đào tạo, giảng dạy.
PVVHNTQGVN tại Huế rất mong kết nối với các đơn vị của tỉnh tham gia tư vấn, kết nối văn hóa, nghệ thuật; được tham gia vào một số nội dung tại Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy liên quan đến phục hồi các giá trị văn hóa, không gian cảnh quan khu vực Thượng Thành, Eo Bầu sau khi di dời dân cư; tư vấn về dữ liệu hóa hồ sơ di sản văn hóa Huế; đưa nếp sống văn minh đô thị vào xây dựng đời sống văn hóa, con người Huế.
PVVHNTQGVN tại Huế mong tủ sách Huế có nhiều đầu sách mang giá trị, tạo sức lan tỏa giá trị văn hóa Huế. PVVHNTQGVN tại Huế ấp ủ việc xây dựng văn hóa Huế nhìn từ biển; xây dựng kịch bản Festival 4 mùa mang đậm bản sắc văn hóa, nghệ thuật Huế; xây dựng các danh hiệu ẩm thực, áo dài để quảng bá du lịch, nhằm thúc đẩy các giá trị văn hóa Huế chính bằng những sản phẩm cụ thể.
Tái hiện lễ hội cầu ngư làng Thai Dương trên đường phố tại Tuần lễ Festival Huế 2022. Ảnh: A.T
Sớm có bộ toàn thư về văn hóa ẩm thực Huế
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của PVVHNTQGVN tại Huế thời gian qua; đồng thời khẳng định, tỉnh rất cần những cơ quan nghiên cứu văn hóa nghệ thuật như PVVHNTQGVN tại Huế để phát triển văn hóa, nghệ thuật của Huế phát triển hơn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh bám sát Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, các chương trình trọng điểm của tỉnh để có sự liên kết, kết nối với PVVHNTQGVN tại Huế trong việc nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật liên quan đến Huế. PVVHNTQGVN tại Huế cần nghiên cứu một số đề tài, nhất là những nét văn hóa Huế có nguy cơ mai một để tập trung nghiên cứu bảo tồn.
Mong muốn của cá nhân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ là, là sao để sớm có bộ toàn thư về văn hóa ẩm thực Huế; danh nhân xứ Huế; nghiên cứu sâu về bản sắc văn hóa Huế.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ gợi ý, các sở, ban, ngành của tỉnh cần phối hợp, đặt hàng với PVVHNTQGVN tại Huế trong việc nghiên cứu một số công trình về văn hóa làng xã, văn hóa dòng họ. Sớm xây dựng được bảo tàng Phật giáo tại Huế; phát triển văn hóa thiền; ẩm thực chay, nhằm nâng cao giá trị hưởng thụ của người dân.
Thời gian tới, PVVHNTQGVN tại Huế tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, bảo vệ giá trị văn hóa Huế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát triển đảng viên. Nhiều vấn đề đặt ra cho PVVHNTQGVN tại Huế và các sở, ban, ngành với mục tiêu cao nhất là, triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và 54 của Bộ Chính trị đạt kết quả cao nhất.
Bài, ảnh: Anh Phong