Lần đầu tổ chức Lễ hội xoài Cao Lãnh tại Đồng Tháp
Cập nhật: 07/07/2022
Trong khuôn khổ lễ hội còn có hội thi các món ngon từ xoài, tổ chức tham quan, trải nghiệm các vườn xoài tại thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh… Lễ hội xoài Cao Lãnh được kỳ vọng sẽ tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ.

Khai mạc Lễ hội xoài Cao Lãnh.

Với chủ đề “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh”, tối 6/7, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã long trọng khai mạc Lễ hội xoài Cao Lãnh năm 2022, do UBND thành phố Cao Lãnh và UBND huyện Cao Lãnh phối hợp tổ chức.

Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh là 2 địa phương có diện tích trồng xoài nhiều nhất của tỉnh Đồng Tháp, với hơn 7.500ha, trong tổng số khoảng 12.000ha xoài toàn tỉnh.

Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh, Võ Phan Thành Minh cho biết, việc tổ chức lễ hội xoài nhằm tôn vinh ngành hàng xoài, các sản phẩm chế biến từ xoài, phát huy giá trị văn hóa-kinh tế, quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương; mở rộng thị trường tiêu thụ xoài nội địa và xuất khẩu.

 Biểu diễn nghệ thuật tại đêm khai mạc Lễ hội xoài Cao Lãnh.

Lễ hội xoài Cao Lãnh còn được kỳ vọng sẽ tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ. Đây được xem là mắt xích quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành hàng xoài tại Đồng Tháp nói chung và thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh nói riêng, đưa sản phẩm xoài Cao Lãnh vươn lên tầm cao mới.

Xoài Cao Lãnh được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, nhiều kênh phân phối, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc... Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài với khu vực địa lý các vùng xoài trên địa bàn thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh gồm 2 giống xoài là xoài Cát Chu và xoài Cát.

Người dân Cao Lãnh còn khai thác thế mạnh của trái xoài để chế biến thành các món ăn, thức uống thân quen như: xoài sấy dẻo, bánh xoài, bánh tráng xoài, rượu xoài, kẹo xoài, tạo bước đột phá trong công nghệ chế biến, phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trong đó, có nhiều sản phẩm khởi nghiệp đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao.

Du khách tham quan không gian giới thiệu xoài Cao Lãnh và các sản phẩm chế biến từ xoài.

Theo ban tổ chức, từ ngày 5 đến 8/7, Lễ hội xoài Cao Lãnh diễn ra với nhiều hoạt động như: thành lập Chi hội xoài (trực thuộc Hiệp hội Rau quả Việt Nam); trưng bày, giới thiệu và quảng bá thương hiệu “xoài Cao Lãnh”; giới thiệu sản phẩm “cây xoài nhà tôi” và các cây xoài giống, những sản phẩm từ xoài; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, gian hàng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh.

Trong khuôn khổ lễ hội còn có hội thi các món ngon từ xoài; tái hiện không gian chợ nổi trên sông Cao Lãnh; tổ chức tham quan, trải nghiệm các vườn xoài tại thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh; hội thi tạo hình nghệ thuật trái cây; lễ “Tôn vinh các nông dân-nghệ nhân ngành hàng xoài”; hội thảo về phát triển chuỗi ngành hàng xoài.

Tin, ảnh: Hữu Nghĩa

 

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 07/7/2022