Vĩnh Phúc: Bảo tồn, phát huy giá trị trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội truyền thống
Cập nhật: 12/09/2022
Vĩnh Phúc là vùng đất còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa độc đáo, trong đó có các trò chơi, trò diễn dân gian. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian tại các lễ hội truyền thống đang dần bị mai một. Để khôi phục, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa này, các cấp, ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả.

Trò diễn Trâu rơm, bò rạ được Sở VHTTDL tổ chức công diễn sân khấu hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Ảnh: Kim Ly

Trò chơi kéo Song nhằm biểu dương tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước, từ xưa đã được nhiều làng, xã thuộc huyện Bình Xuyên tổ chức vào các dịp lễ hội đầu Xuân và đến nay vẫn còn duy trì ở thị trấn Hương Canh.

Nét độc đáo của trò chơi này là người kéo Song phải kẹp dây vào nách. Cứ hai người ngồi thành cặp, một người kẹp nách trái, một người kẹp nách phải, hai tay nắm cùng một khúc dây. Khi kéo dây, người kéo ngả mình ra, đạp thẳng chân vào thành hố, phối hợp nhịp nhàng với đồng đội thực hiện theo cờ hiệu của người chỉ huy.

Trò chơi kéo Song vừa có tính tập thể, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết; biểu dương sức mạnh và mưu trí của người dân trong vùng. Năm 2015, kéo Song được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Giống như trò chơi kéo Song của người dân Hương Canh, trò diễn Trâu rơm bò rạ của nhân dân 2 làng Bích Đại và Đồng Vệ, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường đã được hình thành từ lâu đời.

Theo các tài liệu ghi chép, vào đời vua Hùng Huy Vương, tại vùng đất Kinh Bắc có một gia đình dòng họ Đinh sinh hạ được người con khôi ngô, tuấn tú đặt tên là Thiên Tích. Thiên Tích lên 20 tuổi thì bố mẹ mất.

Khi giặc Ân xâm lược nước ta, Đinh Thiên Tích tâu với vua Hùng xin được tham gia đánh giặc, bảo vệ bờ cõi non sông. Ông được vua Hùng phong chức Bán Thiên Đại Vương. Khi 62 tuổi, ông đến 2 thôn Đồng Vệ và Bích Đại thuộc huyện Bạch Hạc (nay là xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường) lập hành cung.

Từ đây, ông dốc sức dạy dân cày ruộng, trồng dâu, nuôi tằm… dần tạo nên một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Rồi một ngày, ông đột ngột bay thẳng lên trời và biến mất trong đám mây. Từ đấy, nhân dân lập miếu thờ ông tại thôn Đồng Vệ và Bích Đại để hương khói, hằng năm tổ chức lễ hội vào mùa Xuân.

Trò diễn Trâu rơm, bò rạ được tổ chức trong mỗi dịp lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của ông Đinh Thiên Tích, thể hiện mong ước của nhân dân về những vụ mùa bội thu. Lễ hội xã Đại Đồng đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020.

Trò chơi kéo Song được Sở VHTTDL tổ chức công diễn sân khấu hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Ảnh: Kim Ly

Kéo Song và Trâu rơm, bò rạ là những trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc vừa được Sở VHTTDL tổ chức công diễn sân khấu hóa theo Kế hoạch 248 của UBND tỉnh về việc tái hiện các trò chơi, trò diễn dân gian trong các lễ hội truyền thống tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là giải pháp sáng tạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các trò chơi, trò diễn dân gian trong các lễ hội truyền thống trước nguy cơ bị mai một.

Trên cơ sở kịch bản gốc các trò chơi, trò diễn dân gian, Sở VHTTDL đã xây dựng kịch bản chuyển thể sân khấu; tổ chức dàn dựng, tập luyện, biểu diễn theo kịch bản đã được phê duyệt.

Bằng tài năng nghệ thuật và tâm huyết trong việc gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát nghệ thuật tỉnh đã “thổi hồn” vào trong các tác phẩm, giúp tái hiện đầy đủ và sinh động những nét đặc trưng và không khí vui tươi, phấn khởi của lễ hội.

Các tiết mục được Đài PT-TH tỉnh ghi hình, phát sóng nhằm quảng bá, giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế những giá trị đặc sắc của các trò chơi, trò diễn dân gian trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, hiện nay, các nhà trường đã đưa các trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa nhằm tạo không khí giao lưu sôi nổi, đoàn kết, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đồng chí Ngô Văn Khoa, Phó trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VHTTDL cho biết: "Các trò chơi, trò diễn dân gian của Vĩnh Phúc rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thường được nhân dân các địa phương tổ chức vào dịp lễ hội đầu Xuân.

Các trò chơi, trò diễn dân gian thể hiện rõ nét các yếu tố về lịch sử, phong tục tập quán của nhân dân dưới các hình thức vui chơi giải trí, thi khéo đua tài, luyện tập cơ bắp, khuyến khích canh tác, gieo trồng... Các trò chơi, trò diễn dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những trò chơi, trò diễn dân gian vẫn còn được duy trì, bảo tồn, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đã bị mai một. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với các trò chơi dân gian truyền thống mà ưa chuộng các môn thể thao hiện đại.

Trước thực tế đó, Sở VHTTDL đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các trò chơi, trò diễn dân gian trong cuộc sống hiện đại".

Bạch Nga

Báo Vĩnh Phúc - baovinhphuc.com.vn - Đăng ngày 12/09/2022