Miền sơn cước quê tôi, cây xanh rợp bóng mát, núi non trập trùng nên có nhiều loài ong đến làm tổ. Trong đó, ong vò vẽ sinh sản mạnh nhất khoảng từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch hằng năm.
Những ngày rảnh rỗi, nhóm bạn tôi hay rủ nhau vào rừng bắt ốc, hái sim, săn ong. Nhà tôi có người chuyên đi lấy mật ong rừng. Hành trình lấy mật không hề dễ dàng, trèo non lội suối, cơm nắm nằm rừng, trải qua trập trùng gian khó mới làm nên giọt mật tinh túy, dẻo thơm.
Hay khi may mắn thấy được tổ ong vò vẽ bám chặt thân cây, là là trên mặt đất, phải đợi đến trời sẩm tối dùng bùi nhùi hun khói để ong bay đi thì mới gỡ tổ mang về nhà. Trong lúc cắt tổ, mặc đồ bảo hộ chuyên dụng để tránh bị ong cắn đốt.
Thú vị nhất là vừa rôm rả trò chuyện vừa bóc gỡ từng con nhộng màu trắng ngà nằm cuộn tròn trong từng miếng sáp. Có con già hơn, đủ cánh, đủ chân bò loanh quanh trên rổ. Nhộng ong sau khi trụng qua nước sôi bụng căng tràn bầu sữa.
Bắc chảo dầu phụng nhà lên bếp, phi nén thơm lừng, đổ nhộng ong vào lim rim tầm 5 phút, vặn lửa nhỏ, nêm nếm gia vị vừa ăn, nhấc ra khỏi bếp. Nhộng ong rất mềm, dễ nát nên hạn chế khuấy bằng đũa để giữ hình dáng ban đầu. Chuối cây mẹ cắt trong vườn, xắt mỏng ngâm với khế chua để có màu trắng tinh, rửa sạch, vắt ráo nước; đậu phụng rang giã nhỏ.
Chuẩn bị xong tất cả nguyên liệu, tiếp đến đổ ong vào, trộn đều thật khẽ, bài trí ra đĩa, thêm rau húng trắng và vài lát ớt xanh. Món gỏi chuối nhộng ong ăn đúng điệu là dùng bánh tráng để xúc. Muốn no bụng và “sang chảnh” thì có tô cháo đi kèm. Nồi cháo nấu thật nhừ với đậu xanh, đổ nhộng ong đã xào chín vào, thêm hành lá, tiêu, gừng, đồng thời ăn kèm với rau má, ngò gai hay rau răm.
Thường, mỗi muỗng cháo có một vài con nhộng vàng thơm phưng phức, vừa ăn vừa thấy béo, ngọt bùi, quấn quyện giữa nhộng non, nhộng trưởng thành và hương vị dẻo thơm của gạo mới, ăn đến đâu thấm tháp đến đó, cảm giác như thăng hoa. Lội rừng thấm mệt, có tô cháo ong bồi bổ thì sức khỏe xem ra đã được phục hồi.
Tôi lớn lên vùng miền núi trung du, thưởng thức nhiều món đồng nội dân dã nhưng nhắc đến nhộng ong là cảm giác thèm thuồng. Tôi biên câu thơ để ai đó nhớ đến món đặc sản quê xứ thì quay về: “Nhộng ong béo ngậy ngọt lành/ Vị thơm quyến luyến không đành ly hương”...
Thiên Thu