Sau những ngày đằng đẵng giãn cách phòng chống dịch, biển lại rộn ràng, cùng ai hàn huyên sớm tối, dẫu có cố nén những thương đau. Về Nha Trang, tôi lại kể em nghe chuyện tình của biển. Và, tới lượt mình, biển sẽ hát cùng em, bài hát quê hương…
Từ Khu du lịch Vinpearl Nha Trang nhìn về thành phố Nha Trang.
Không thể nào quên, những ngày Covid-19. Dây chăng khắp nẻo. Chốt gác chằng chịt. Với công lệnh đặc biệt, tôi đồng hành cùng những lực lượng chống dịch, có khi vào tận nơi chữa trị bệnh nhân F0 là những người nghiện ma túy. Nhiều hôm, suốt cả một quãng đường dài từ cơ quan về nhà có tới gần 6 cây số mà không gặp một người nào. Đường phố tối om. Tiếng xe cứu thương thảng thốt, liên hồi.
Cứ vậy, ngày ngày, tôi vẫn đi về bên cạnh biển. Lạ! Dường như biển xanh hơn, đẹp hơn mọi ngày. Nhưng, tôi không thể ra với biển. Bởi phải giãn cách nghiêm ngặt. Buổi sáng, bãi biển chỉ có đàn bồ câu hồn nhiên nhẩn nha trên cát, khe khẽ gọi nhau cúc cù cu. Nghe xao xuyến lắm! Còn đêm về, bờ cát tịch liêu, trăng khuya bẽ bàng soi bóng. Ngoài khơi vắng những ánh đèn, biển trời như đôi bờ mi khép.
Ôi! Lần đầu, tôi thấy biển cô đơn.
Rồi Covid-19 bị đẩy lùi. Nhịp đời nối lại.
Đã thấy nắng pha lê lấp lánh trên ngọn thùy dương. Đã nghe gió trùng khơi thênh thang khắp miền cát trắng. Nhưng, nơi biển này, có những gương mặt thân quen tôi không bao giờ được gặp lại nữa. Họ đã đi, một cách lặng lẽ chưa từng có, trong những ngày Covid-19 căng thẳng. Có ngờ đâu, giãn cách lại là ly biệt, nghìn trùng. Dấu chân ai ngày nào trên cát, sóng đã xóa nhòa. Bây giờ, bên biển, có người ca hát; cũng có người trầm tư. Sóng xa, thăm thẳm chiều khơi. Em đi, chới với hồn tôi. Đêm trăng, muôn trùng sóng, gió cứ ơ hờ ru ai bên bờ cát. Người ngồi đó, nhìn từng con sóng miên man mà mải miết nơi đâu một bóng hình, cho bạc đầu nhớ tiếc.
Biển lại rạng rỡ reo vui, cùng những bàn chân trần buổi sớm trên bãi cát tinh khôi, chỉ có dấu vết li ti của những con còng gió. Mặt trời đỏ ửng phía xa, dát muôn ánh vàng lấp lánh trên mặt nước. Sóng không thôi khao khát yêu thương, ngơ ngẩn nhìn theo những bàn tay thiếu nữ say đắm thả tim bên người thương mến.
Tôi lại được ra với biển, cố hít cho căng đầy lồng ngực không khí biển ban mai tinh tươm, tươi rói. Nhiều khi bơi đã mỏi, tôi thả lỏng người, dang tay nằm im trên mặt nước mà ngửa mặt ngắm trời xanh, mây trắng, thi thoảng có vài cánh chim nhỏ lướt ngang qua.
Và, cứ vậy, tôi nằm nghe từ bờ vọng ra những nhịp điệu khi sôi nổi, lúc đằm thắm từ những câu hát 'Tổ quốc gọi tên mình', rồi 'Bài tango cho em', và cả những 'Gần lắm Trường Sa'... của mấy nhóm em gái tập dân vũ. Người bồng bềnh trên sóng. Và lênh đênh cùng cảm xúc dịu dàng cùng biển sớm.
Bỗng nghe đâu đó có lời hát: …Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương. Ôi! Hát tình ca, trên những niềm đau chôn giấu! Phải bản lĩnh lắm mới làm được.
Biển là vậy, bao dung mà mạnh mẽ; hiền dịu mà kiên cường. Chỉ có chia sẻ cùng biển tới tận đáy lòng, anh Hồng Đăng mới có được những câu hát ngọt ngào về biển, ở đó, có chân trời rất xanh; có con thuyền rất vui, và có cả những môi cười rất xinh lung linh màu áo… Triệu triệu cơn bão đi qua, biển vẫn cứ đầy vơi con nước, mà hàn huyên sớm tối cùng người. Cho quê hương rộn rã suốt mùa vui.
Có ai đó nói Nha Trang không có bốn mùa rõ rệt, chỉ có hai mùa mưa nắng. Nhưng, cũng có nhiều người nhắc tới một Nha Trang thu. Thu của đất trời, hay là thu ước lệ của những ngày cách mạng, của những nụ cười, tiếng hát say mê trong màu cờ đỏ bên biển Nha Trang nắng vàng lộng lẫy?
Trên đường Trần Phú, tôi thấy lác đác mấy chiếc lá bàng chao nghiêng bên biển chiều tịch lặng. Nắng thôi, không đanh đá nữa. Buổi chiều, Nha Trang gợn chút nắng vàng trong gió se se lạnh. Thi thoảng, trên phố lơ thơ mấy bóng dáng khăn voan. Phía biển, trời như thấp hơn, cho vừa sắc dáng thùy dương soi tóc. Chỉ một khoảnh khắc ấy thôi, mà cứ khiến hồn người vương vấn mãi.
Tự bao giờ, biển có sóng? Và, tự bao giờ, ta yêu nhau? Không có ai trả lời. Chỉ biết rằng, dẫu có gió, dẫu có sóng, biển xanh ngày ngày vẫn gợi nhắc yêu thương. Những hẹn hò lứa đôi xa cách có đến hơn hai năm mùa dịch giờ đã tự tin trở lại với Nha Trang.
Ngày trước khi có Covid-19, mỗi lúc Nha Trang kẹt xe, nhiều người bực mình, gắt gỏng: “Người ở đâu mà đông dữ vậy, không có đường đi!”. Đến khi Covid-19 ập tới, phường phố lạnh tanh, quạnh quẽ, lại nhớ quay quắt những tiếng còi xe ùn ứ, tiếng í ới chen nhau.
Bây giờ, nhiều khi Nha Trang kẹt xe trở lại. Vẫn khói ấy, vẫn bụi ấy, nhưng người lại rất bao dung: “Ừ, có vậy!”. Có qua mịt mùng mưa tuyết, mới vui mùa nắng vàng, là như vậy chăng?
Những con tàu du lịch cao tốc sau hơn hai năm rũ mòn phơi mình trên bến giờ lại rộn ràng rẽ sóng, chở nụ cười vào trong từng giấc mơ con trẻ. Để mai ra, chúng lại nhảy chân sáo trên bãi biển bình minh.
Lướt đọc đâu đó trên báo chí nước ngoài, tôi thấy có bài viết của một tác giả người Hàn Quốc miêu tả cảm xúc thật tuyệt diệu khi những tia nắng ban mai rọi qua ô cửa sổ khách sạn đánh thức ông trong cơn mơ màng.
Rồi, chỉ mất vài phút đi bộ, tác giả đã chạm được đến biển; đường bờ biển trải dài, uốn lượn; bãi cát trắng tự nhiên, mịn màng; nước biển trong, xanh biếc. Dọc theo đường bờ biển, có nhiều khách sạn, nhà hàng, bar sang trọng, tiện nghi.
Du khách nghỉ ngơi, thư giãn, nhâm nhi ly cà phê thơm mát, đắm mình trong không gian trời biển bao la. Cảnh ấy, tình ấy giúp tác giả phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ biển Haeundae, nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch của thành phố Busan, Hàn Quốc.
Một góc Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh.
Từ tháng 6/2003, vịnh Nha Trang được tôn vinh là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Từ đó đến nay, trên các trang mạng xã hội, biển Nha Trang không ít lần lọt vào top ten các bãi biển đẹp. Du khách khắp nơi tìm về Nha Trang mà tận hưởng những phút giây thư thái cùng biển xanh đầy lưu luyến. Nhưng, Covid-19 như một cơn bão lớn, khủng khiếp chưa từng thấy.
Cho tới nay, ở những phố Tây ở Nha Trang như Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Trần Quang Khải…, không khí vẫn ảm đạm. Nhiều khách sạn, nhà hàng vẫn đóng cửa, có khi treo biển tìm người sang tên, đổi chủ. Đâu đó, chỉ thấy mấy người khách nước ngoài lặng lẽ ngồi trong ngõ vắng, bên mấy cốc bia tươi cùng cây đàn guitar.
Hiện Nha Trang đang đón nhiều khách Hàn Quốc. Còn các thị trường khách quốc tế quan trọng như Trung Quốc và Nga đến nay vẫn chưa trở lại. Mới đây, tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Ấn Độ, quốc gia có dân số tới hơn 1,4 tỷ người.
Theo kế hoạch, giữa tháng 11/2022, Khánh Hòa đón đoàn famtrip của 15 hãng lữ hành Ấn Độ sang khảo sát, lên kế hoạch đưa khách đến Nha Trang. Đâu đó, trên phố rộn ràng những hàng chữ "Welcome to Nha Trang"…
Có điều rất đáng mừng, sau đại dịch Covid-19, khách du lịch có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, phóng khoáng hơn. Đến Nha Trang, nhiều du khách mạnh tay nới lỏng hầu bao thưởng thức ẩm thực đặc sản cao cấp miền biển; trải nghiệm lặn biển ngắm san hô; bay dù kéo; chạy mô-tô nước (jetski); đi tour du thuyền ngắm vịnh biển…
Trước đây, việc thuê du thuyền đi du lịch được coi là xa xỉ, chỉ dành cho giới giàu có, nay đã trở nên phổ biến. Khách được đưa đi ngắm vịnh đẹp Nha Trang; dùng tiệc nướng ngay trên tàu giữa trời biển mênh mông, lộng gió…
Hiện nay, các tour ngắm hoàng hôn, bình minh trên vịnh biển Nha Trang thu hút rất nhiều du khách. Nhiều người chọn suối Hoa Lan, khung cảnh hoang sơ, mộc mạc; rồi dùng lều cắm trại phong cách glamping, cao cấp, sang trọng và lãng mạn. Để được thức, ngủ trong mơ hồ tiếng suối róc rách, tiếng sóng vỗ bờ và thoang thoảng hương thơm của những nhánh lan rừng.
Du lịch Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022 có mức tăng trưởng rất cao: Số lượt khách đến tăng gấp 4 lần so với năm ngoái; số ngày khách lưu trú, doanh thu từ du lịch đều tăng hơn gấp 3 lần…
Nếu chỉ nghe như vậy thì thấy rất mừng. Nhưng, nếu đem con số tuyệt đối của 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19, thì thấy hãy còn thấp hơn nhiều lắm.
Mới thấy, hậu Covid-19 là một khái niệm đầy ám ảnh, nó tàn phá ghê gớm sức khỏe không chỉ của con người mà của cả nền kinh tế chúng ta. Mà, để khôi phục là cả một quá trình dài, đầy gian khó.
Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Khánh Hòa đang dồn lực thực hiện cho được mục tiêu ấy.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, phát huy thế mạnh du lịch biển đảo, Khánh Hòa cần đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với các hoạt động văn hóa; đầu tư nhiều hơn những sản phẩm vui chơi, giải trí hấp dẫn về đêm, hướng Nha Trang trở thành thành phố không ngủ.
Những ngày này, Khánh Hòa tích cực chuẩn bị để sang năm 2023 tổ chức Festival Biển Nha Trang và kỷ niệm 370 năm hình thành và phát triển vùng đất Nha Trang-Khánh Hòa.
Vậy là Festival Biển Nha Trang sẽ trở lại, sau một lần phải hoãn do Covid-19, tiếp nối hành trình 20 năm gánh vác sứ mệnh tiếp thêm sức sống cho văn hóa biển, đảo; vun đắp thêm lên trong mỗi người Việt Nam tình yêu và bổn phận với biển, đảo, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi nhấc máy gọi người em ở xa hơn một nửa vòng trái đất, báo tin để em sắp xếp, lên kế hoạch mà bay về dự Festival Biển. Về Nha Trang, tôi lại kể em nghe chuyện tình của biển. Và, tới lượt mình, biển sẽ hát cùng em, bài hát quê hương, dẫu có buồn, có vui; có mưa, có nắng.
Sáng nay, tôi ra biển sớm. Trời hãy còn tối. Ngoài kia, con tàu du lịch cao cấp Le Lapérouse đưa khách về Nha Trang đang neo đậu, đèn điện rực sáng, nguy nga, tráng lệ. Đây là tàu du lịch biển đầu tiên trở lại Nha Trang sau hơn hai năm gián đoạn vì Covid-19. Chừng như vui lắm, nghe sóng cứ xôn xao…
Phong Nguyên