Với tuổi đời hơn 300 năm, đền đá Phú Đa là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Trải qua nhiều giai đoạn dài và có nhiều biến cố, nhưng ngôi đền vẫn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, giữ được những nét kiến trúc độc đáo, đậm chất văn hóa Việt cổ.
Có lẽ, ở Việt Nam, cho đến nay, thật hiếm có một công trình nghệ thuật nào của tư nhân, do tư nhân dựng lên cho mình, lại trở thành di sản văn hóa độc đáo, góp phần làm nổi danh cho một địa phương như ngôi đền Phú Đa trên đất Vĩnh Tường từ gần ba trăm năm trước !
Tọa lạc liền kề ngay triền đê sông Hồng, trên dẻo đất nhô cao hình mai rùa nổi lên giữa cánh đồng chiêm trũng ba bề nước quay mênh mông như hồ nước lớn thuộc xứ Đồng Giếng, trước đây thuộc xã Phú Hoa, tổng Tang Thác, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, đền Phú Đa vốn mang tên dân gian là Đền Quan Thị hay Đền Đá, có lai lịch khá độc đáo, gắn với tên tuổi của danh tướng Nguyễn Danh Thường (có tài liệu ghi chép là Nguyễn Danh Thưởng) quen thuộc của vùng đất Vĩnh Tường.
Truyền rằng, cụ Nguyễn Danh Thường vốn xuất thân từ một gia đình thuần nông, nghèo khó. Là một cậu bé khôi ngô, thông minh, tháo vát, giỏi giang việc nhà, lại có tài ứng đối, tư chất hơn người, Nguyễn Danh Thường luôn được mọi người quý mến. Cũng vì thế mà, tuy còn nhỏ, nhưng cậu bé Nguyễn Danh Thường đã trong một cuộc thả diều trên cánh đồng làng, may mắn được một vị quan Thượng thư bắt gặp, ưng mắt và nhận làm con nuôi, cho theo về Thăng Long, vào cung vua để học hành cùng con nhà quyền quý. Nhờ môi trường nuôi dạy trong cung vua phủ chúa Lê – Trịnh, Nguyễn Danh Thường đã học hành hanh thông, luyện tài văn võ, đỗ Tiến sĩ, được thăng quan tiến chức và vua chúa tin yêu quý mến. Đã nhiều lần, ông được triều đình Lê – Trịnh giao trọng trách mang quân đi dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân, lần nào ông cũng hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao. Để ghi nhận công trạng của ông, Triều đình đã phong cho ông tước Thái Bảo Lãng Phương Hầu, phong chức Tham mưu quân Đô đốc phủ, Khâm sai kiểm sát thành, trấn thủ cả một vùng rộng lớn từ Sơn Tây đến Thái Nguyên. Theo lời dân làng Phú Đa truyền lại cho con cháu: Thời đương nhiệm, cụ Nguyễn Danh Thường dù bận bịu với việc đang làm quan to trong triều, vẫn thường xuyên quan tâm đến dân làng Phú Đa. Cụ nhiều lần đã bỏ tiền mua đất ruộng, cấp cho người nghèo, cấp tiền cho dân làng mua trâu bò và dụng cụ sản xuất, mua cấp điền thổ để làm thủy lợi phục vụ nông nghiệp và mua cấp đất để mở chợ cho cả làng. Ngoài ra, cụ còn đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo sức khỏe cho người già và dạy dỗ lớp trẻ. Dân làng còn truyền cho nhau biết những cánh ruộng do cụ Danh Thường cấp cho người già để lấy tiền mua mũ áo cho các bậc cao niên, khoảnh ruộng “học điền” để gieo cấy, lấy tiền tạo nguồn kinh phí trả công cho các thầy đồ dạy học cho con em trong làng, khoảnh ruộng “bút chì” để có nguồn mua giấy bút cho con em đi học…
Là vị đương nhiệm chức quan to của triều đình, cụ Nguyễn Danh Thường đã sớm lo cho chặng cuối tuổi già của mình, không muốn mai này phiền lụy dân làng, cụ đã cấp tiền của cho bề tôi chăm lo xây dựng dinh cơ lớn trên mảnh đất cố hương, trong đó dành riêng khoảnh đất dựng lên một ngôi sinh từ, những muốn làm nơi thờ tự chính mình sau khi khuất núi. Toàn bộ khu dinh thự khổng lồ đó do thời gian và sự tàn phá của chiến tranh cũng như con người, hiện chỉ còn ngôi đền được làm bằng đá xanh và gỗ lim bền vững, để lại cho con cháu Phú Đa một kiệt tác nghệ thuật có nhiều giá trị văn hóa. Viếng thăm di tích đền đá hiện nay, dễ dàng nhận ra vết tích của chiến tranh còn đọng lại dấu tích cụt đầu của con nghê đá trên trụ cổng bên phải của đền. Mảng tường đá ong phía đầu đốc của đền còn găm lỗ chỗ những vết đạn sâu hoắm. Kề hai bên lối đi vào đền còn dấu vết tượng võ sĩ bằng đá bị cụt đầu, mới được phục dựng bồi đắp bằng xi măng phủ màu rêu xám.
Đền Phú Đa theo tư liệu hồi cố của các bậc cao niên được ghi chép lại trong hồ sơ di tích, được khởi dựng vào triều vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) niên hiệu Cảnh Hưng, trên diện tích mặt bằng 3 mẫu đất. Đền tọa hướng đông nam, với 3 tòa kiến trúc (Cổng đền, Đại bái và Từ đường), làm hình chữ tam (tính từ cổng vào) bằng vật liệu đá xanh và gỗ lim, được đích thân cụ Danh Thường vào xem lựa và lấy từ mạn núi Nhồi Thanh Hóa, kéo ngược sông Hồng dồn về. Giữa khoảng không gian thoáng rộng được tôn tạo nền đất có móng cực kỳ đảm bảo cho sự hiện diện của đền, bất chấp lũ lụt ven sông. Cấu trúc đền bao gồm 2 trụ đá lớn phía trước cổng đền, tiếp đến là cổng đền, qua một khoảng sân rộng có 2 hàng tượng võ sĩ và voi ngựa bằng đá chầu 2 bên (với kích thước còn lớn hơn các tượng đá chầu ở sân Lăng Khải Định của Cung đình Huế), tiếp đến là tòa đại bái và tòa hậu cung. Trong tòa đại bái có 10 bia đá được chạm khắc chữ Hán dày đặc kín mặt mỗi tấm bia, vẫn còn nguyên đường nét sắc sảo, hai bên là hai tượng võ sĩ bằng đá xanh đứng gác. Có tượng 2 vị thư lại bằng đá xanh ngồi quỳ 2 bên phía trước cửa giữa của tòa hậu cung. Trong tòa hậu cung có 5 ngai thờ chia thành 2 hàng, 1 sập đá đặt trước ngai thờ. Hệ thống cột gỗ lim to vẫn còn nguyên vẹn đứng sừng sững uy nghi; các cặp sư tử đá, rồng đá, chó đá… được bố trí ở các vị trí hai bên của cổng đền và tòa Đại bái, chưa hề có dấu hiệu bị ảnh hưởng gì của thời gian trong gần 300 năm qua. Đi cùng với kiến trúc độc đáo trên là hệ thống các cấu kiện gỗ như: xà, kẻ hiên, thậm chí cả các cấu kiện vốn là nơi thường được người nghệ nhân dân gian thể hiện bằng bàn tay tài hoa như: ván nong, ván gió, y môn, cửa võng cũng đều được bào trơn, đóng bén, soi gờ kẻ chỉ đơn giản, liên kết mộng sàn chặt chẽ. Nhiều nghệ nhân danh tiếng về nghề mộc từ các vùng quê đã được trưng tập.
Hệ thống cột trụ và các cấu kiện được làm từ gỗ lim vô cùng chắc chắn và chạm khắc công phu.
Về điêu khắc tượng đền Phú Đa đang hiện diện 20 đơn vị, bao gồm các loại tượng người, tượng động vật, voi, ngựa, chó đá, nghê chầu. Những pho tượng đá được lấy từ Thanh Hóa ra. Sau đó, các nghệ nhân đã điêu khắc, chạm trổ hết sức tinh vi. Đến nay, những nét điêu khắc ấy vẫn còn nguyên đường nét sắc sảo. Về tượng người, nổi bật có đôi tượng võ sĩ thứ nhất và đôi tượng võ sĩ thứ ba (đặt ở sân đền) cùng đôi tượng quan văn (đặt trong tòa sinh từ). Có thể thấy khả năng giải phẫu tạo hình của các nghệ nhân dân gian tham gia xây dựng kỳ tích này thực sự đã đạt đến trình độ cao để có được những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng chất liệu đá tuyệt tác.
Là một quan lại danh tiếng, giàu có, được vua Lê chúa Trịnh sủng ái, Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường về danh nghĩa đã đầu tư khổng lồ tiền của, công sức cho việc tự dựng cho mình một ngôi sinh từ khi mình còn đang đương nhiệm công việc triều đình, nhưng vượt qua hình thức chăm lo bản thân để lại di sản cho hậu thế, dù ông không có con cái nối dõi, đã thực chất thể hiện một cách thầm lặng trách nhiệm cao cả của mình với cộng đồng dân chúng, gửi gắm tấm lòng hiếu kính với tổ tiên. Không phải ngẫu nhiên mà ông chỉ dành tâm trí suy nghĩ, lựa chọn nội dung cần thiết để cho khắc vào từng tấm bia đá các điều khoản hương ước của làng xã, những ngày giỗ kỵ và các điều lệ nghi tiết tế tự cúng giỗ hậu thần, phúc thần và liệt tổ, liệt tông theo phong tục, tập quán của một vùng quê. Và cao đẹp hơn, Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường với tầm nhìn cao rộng của một danh nhân văn võ song toàn, lo toan cho hậu thế sau này, đã chọn lựa và cho khắc vào bia đá những lời răn dạy cũng như triết lý thâm hậu của các bậc thánh nhân, hiền tài để con cháu mai sau đọc từ đó mà nhận ra những chuẩn mực về đạo đức, lối sống, để tự răn mình phấn đấu, tu dưỡng trở thành những người có ích cho xã hội và làm rạng danh cho gia đình, dòng họ và quê hương, đất nước. Cũng từ quần thể di tích chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa nói chung, đền Đá Phú Đa đã và đang phát huy nội lực của một di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Hồng Quân