Vừa qua, Xí nghiệp Dịch vụ Vận tải và Kinh doanh Tổng hợp đường sắt Sài Gòn (thuộc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam) khánh thành và đưa 4 toa xe lửa cổ vào khai thác du lịch tại Ga Đà Lạt.
|
Đầu máy xe lửa cổ |
Những toa xe này được phục hồi nguyên trạng theo kiểu dáng đoàn tàu chạy bằng đầu máy hơi nước cổ tuyến Đà Lạt - Tháp Chàm vào thập niên 1930 của thế kỷ trước.
Mỗi toa xe cổ có sức chứa khoảng 20 người, được dùng để vận chuyển du khách tham quan cảnh sắc thiên nhiên Đà Lạt. Tuyến xe lửa Đà Lạt – Trại Mát có chiều dài 7km.
Ga Đà Lạt là một trong những nhà ga cổ và đẹp nhất Đông Dương, công trình kiến trúc được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia. Ga hỏa xa Đà Lạt gắn liền với tên tuổi của kiến trúc sư (KTS) người Pháp Moncet - người chủ trì thiết kế và thi công nhà ga cùng đồng nghiệp Revenron.
Công trình khởi công năm 1932, đến năm 1936 hoàn thành. Ga dài 66,5m, ngang 11,4m và cao 11m. Các kiến trúc sư đã lấy hình tượng dãy núi Langbian - biểu tượng của các dân tộc thiểu số Lâm Đồng - làm điểm tựa cho những ý tưởng sáng tạo của mình. Ba vòm mái của nhà ga với mái ngói nhô cao, tạo nên vẻ đẹp vừa cân đối, vừa hùng vĩ và đều nhìn được từ cả mặt trước và sau của nhà ga.
Gần đây, lượng khách tham quan ga và du ngoạn bằng đường tàu lửa ngày càng tăng. Các giá trị văn hóa - lịch sử của nhà ga là những yếu tố chính hấp dẫn du khách.
Tờ Indochine (Pháp) từng ca ngợi: Tại Việt Nam, thú du lịch trên đầu máy xe lửa cổ chạy bằng hơi nước như ở Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện là độc nhất vô nhị.