Mặc dù rời quê hương Hà Giang vào xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) lập nghiệp đã gần hai chục năm, nhưng người Mông ở đây vẫn còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong đó có một người vẫn luôn say mê và miệt mài gìn giữ để tiếng khèn Mông vang vọng trên quê hương mới.
Chúng tôi đã vượt đoạn đường dài gần 100 km để đến thôn Ea Uôl, xã Cư Pui. Nơi đây người dân mộc mạc, hiền hậu, cảnh sắc nên thơ, hữu tình. Khi hỏi về vấn đề gìn giữ nét văn hóa truyền thống, người dân trong làng nghĩ ngay đến ông Lù Chứ Ly (thôn Ea Uôl).
Gắn bó với cây khèn từ thuở nhỏ, ông Ly say mê với giai điệu da diết ấy. Hễ rảnh việc là ông lại mang khèn ra thổi. Thế nên ngày ngày, tiếng khèn của ông lại ngân vang khắp bản làng. Nhiều năm qua, tại các cuộc liên hoan văn nghệ ông Ly luôn “ẵm” giải cao, trở thành niềm tự hào của bà con nơi đây.
Ông Ly cho biết, ông thổi khèn Mông từ năm 12 tuổi và thổi khèn đã trở thành niềm đam mê của ông suốt nhiều năm qua. Khèn là một trong những loại nhạc cụ dùng trong hầu hết các lễ, hội của người Mông. Mỗi dịp lại có điệu khèn khác nhau, điệu dùng cho đám cưới, điệu dùng cho đôi lứa giao duyên, rồi có điệu dùng riêng khi tiễn đưa người vừa khuất…
Ông Lù Chứ Ly (thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) biểu diễn khèn Mông.
Tại các buổi liên hoan, hội diễn văn nghệ truyền thống do xã, huyện tổ chức hay lễ hội đầu xuân, ông Ly đều mang tiếng khèn đến biểu diễn. Với đam mê và nhiệt huyết của mình, ông Ly là thành viên trong Đoàn Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tổ chức tại tỉnh Lai Châu vừa qua và đạt giải B với tiết mục diễn tấu khèn đôi. Nhờ sự đam mê và am hiểu đó, tiếng khèn của ông Ly được nhiều người yêu thích.
Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, ông Ly còn dạy khèn Mông tại nhà cho các cháu trong thôn. Hằng ngày, bà con trong thôn vẫn bắt gặp hình ảnh các cháu đến nhà ông Ly để học khèn.
Ông tâm sự: “Ngày nay, nhiều phương tiện nghe nhạc hiện đại nên nhiều người Mông không còn mặn mà với cây khèn như trước. Hy vọng rằng việc làm của mình sẽ góp phần vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương”.
Ông Lý Văn Páo, Trưởng thôn Ea Uôl cho biết, tiếng khèn trước đây được sử dụng trong tang lễ để thể hiện nỗi buồn, tiếng khèn mang nội dung sâu xa, thổi khèn để người qua đời được hướng dẫn linh hồn đi về với tổ tiên. Nhưng ngày nay, cuộc sống đổi thay, quan niệm này không còn nữa. Thay vào đó khèn giống như một loại nhạc cụ và được sử dụng như một sản phẩm văn hóa.
Khèn là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Mông.
Dù cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng đối với người Mông, tiếng khèn vẫn gắn bó với đời sống sinh hoạt. Tiếng khèn Mông với những âm thanh dìu dặt luôn là người bạn đồng hành của các chàng trai Mông trong mỗi dịp lễ quan trọng. Trong cộng đồng dân tộc Mông, vẫn còn đó những nghệ nhân thổi khèn và thế hệ đời con, đời cháu vì yêu khèn mà gắn bó, để mỗi ngày, tiếng khèn vẫn ngân lên những khúc du ca của núi rừng, để tiếng khèn sẽ được vang mãi trong đời sống của người Mông ngàn đời sau.
Hoài Thương