Cuối năm Sài Gòn trở lạnh. Nắng vẫn ươm vàng từng góc phố, nhưng cái lạnh khe khẽ len vào từng cơn gió khiến đường phố sáng nay trầm mặc hơn bởi sắc màu của những chiếc áo khoác nhiều màu sắc. Chút se lạnh làm cho những người xa lạ trở nên dịu dàng với nhau hơn. Giữa không gian ấy, tôi nhớ đến tô canh cá tràu nấu chuối chát quê nhà đến nao lòng.
Hình ảnh minh họa từ internet
Chẳng có tên gọi nào mỹ miều nào để gọi riêng cho món canh ấy, bởi nó dân dã và quê mùa như vốn miền quê trung du nghèo khó xứ Quảng quê tôi. Món ấy cũng không thấy trong thực đơn ở quán ăn hay nhà hàng nào, nhưng nếu có cơ hội lựa chọn thì canh cá tràu nấu chuối chát cứ hiện lên trong tôi... và ưu tiên ngay.
Canh cá tràu nấu chuối chát là món ăn đặc trưng của nhiều gia đình xứ Quảng. Hơn 15 năm đi học rồi đi làm xa, tôi chỉ có thể về thăm quê vào những ngày Tết, lúc ấy mới được thưởng thức trọn vẹn món canh của quê hương trong chính ngôi nhà của mình. Với tôi, món ăn ấy trở thành một ký ức không thể thiếu của ngày Tết.
Những ngày cận Tết, khi vừa đặt chân về ngôi nhà nhỏ của mình, cho dù bận rộn cỡ nào thì ba tôi vẫn dành thời gian ra đồng, giăng câu bắt cá tràu cho tôi nấu canh. Cá tràu ngon nhất phải là cá tràu đồng, thịt ngọt và dai. Cá được làm sạch, luộc chín tách lấy thịt bỏ xương, ướp với chút nghệ, dầu phộng, khử với hạt nén hòa quyện nên một mùi thơm quyến rũ. Cá tràu được nấu cùng với chuối chát non (chuối hột lúc còn non) và rau rác (một loại rau rừng, có vị chua), rắc thêm ít rau ngò ôm và mùi tàu cắt nhuyễn. Thế là đã có một tô canh ngọt lành, ấm lòng người xa xứ trở về quê hương như tôi.
Tôi nhớ những ngày xưa cũ, những ngày anh chị em chúng tôi còn nhỏ được ở bên nhau. Mỗi khi thu sang, những cơn mưa trắng trời ập đến, nước lênh láng cánh đồng trước nhà. Bầy cá tôm ham con nước mới hăm hở tràn vào đồng, đến khi nước rút quay đầu không kịp đành mắc cạn. Ba tôi đi thăm đồng sớm, thể nào lúc về cũng sẽ có lủng lẳng xâu cá tràu béo ú trên tay, thêm chùm rau rác với nải chuối chát non vừa hái, thì hôm đó chị em chúng tôi biết rằng nồi cơm độn khoai sẽ được vét đến những hạt cuối cùng.
Tôi sống ở miền Nam dài bằng những ngày sống ở quê nhà cộng lại. Những món ăn phương nam vị ngọt đậm đà dần dà thay thế những vị mặn mà cay nồng của miền Trung. Có lần tôi ốm nghén đứa con gái đầu lòng. Tôi chỉ thèm mỗi món canh cá tràu nấu chuối chát. Chồng tôi lùng sục ở đâu mang về nào canh chua cá lóc, nào cá lóc um chuối xanh, rồi ốc um chuối. Cách nhau cả ngàn cây số, giọng nói, tính cách con người còn khác lạ, huống hồ gì là món ăn.
Rồi mỗi bận Sài Gòn chuyển lạnh như lúc này, tôi tất tả chen chân trong chợ Bà Hoa tìm nải chuối chát, con cá tràu đồng như tìm chút hơi ấm của quê nhà. Rồi hì hục xào xào nấu nấu, tô canh vàng rộm nghi ngút khói thơm lừng gian bếp, nhưng nghèn nghẹn ở đâu đó, nuốt mãi vẫn không trôi.
Tôi trở nên lạc lõng giữa phố thị, chơi vơi giữa những nỗi niềm thương và nhớ.
Bởi món ăn này chỉ đúng vị khi được đặt ở căn nhà nhỏ miền trung du, nơi chỉ cần hướng mắt nhìn sương giăng mờ trên đỉnh Chóp Chài, văng vẳng tiếng Hố Thác vọng về, thoang thoảng hương rừng, hương quế xứ Trà xa lắc đằng tây. Nơi ấy, chiều về khói lam chiều uốn mình trên đọt chuối sau vườn vào với ngàn mây xám xịt, để được nghe văng vẳng bên tai những tiếng mi, tau, răng, rứa, mô, tề... lao xao đầu ngõ.
Những đợt lạnh kéo dài và sâu, Tết đến thật gần. Năm nay, tôi lại đón Tết xa xứ. Giữa những ngày Tết phương nam nắng ươm vàng, hoa mai đua sắc và gió xào xạc trên ngọn dừa. Tôi thèm chút gió mùa đông bắc bén ngọt, thèm được nghe giọng nói quê nhà của bác Năm thím Tám rổn rảng trên bờ đê.
Bát canh cá tràu chuối chát có thể thay bằng bát canh chua có lóc ngọt lành, nhưng nỗi niềm nhớ quê hương những ngày cuối năm vẫn không thể nào thay thế được, bởi nơi ấy chính là quê hương, nơi tôi có những người thân yêu nhất. Năm nay, tô canh cá tràu chuối chát lại vắng bóng trong bữa cơm ngày cuối năm, ba tôi lại bần thần nhớ con nhớ cháu. Giữa hai miền Trung - Nam, nỗi nhớ cứ dày lên, dềnh dàng như con nước lớn, lừng khựng mãi đến khi nắng đã lên cao, tiếng bìm bịp liên hồi mà chưa chịu ròng.
Hà Châu