Thời gian qua, ngành chức năng và các địa phương đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Phát triển thị trường
Từ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm, Cơ sở sản xuất bánh tráng gạo Huy Cường, ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức) có cơ hội đưa sản phẩm bánh tráng gạo đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao đến với người tiêu dùng. Anh Lê Thái Cường, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng gạo Huy Cường chia sẻ, nhờ xây dựng thương hiệu cùng với quảng bá sản phẩm, nên bánh tráng gạo của chúng tôi được khách hàng khắp cả nước ưa chuộng. Đầu ra của bánh tráng gạo khá ổn định. Sản phẩm đã có mặt tại các cửa hàng và nhiều chợ trong và ngoài tỉnh.
Các sản phẩm OCOP được sản xuất từ nguyên liệu quế dần được người tiêu dùng biết đến và lựa chọn. Ảnh: Trung Ân
Đối với các sản phẩm từ quế của Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng, sau khi được công nhận OCOP cấp tỉnh đã được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng lựa chọn. Đặc biệt, nhờ được giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, sản phẩm của công ty đã xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường nội địa. Hiện nay, các mặt hàng mỹ nghệ được sản xuất từ vỏ quế, tinh dầu quế, nhang quế, bột quế, nước lau sàn quế của Trà Bồng đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước.
Giám đốc Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng Nguyễn Đức Lương cho hay, nhờ được chứng nhận OCOP, nhiều sản phẩm của công ty gặp thuận lợi trong việc tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu của các thị trường, cũng như hệ thống siêu thị có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt, sau 2 năm được cấp chỉ dẫn địa lý, giá trị của cây quế và các sản phẩm từ quê được nâng cao. Giá của sản phẩm sau khi được bảo hộ tăng lên, đời sống người dân ở vùng trồng quế ngày càng được cải thiện.
Quảng bá sản phẩm
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 61 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 57 sản phẩm đạt 3 sao và có 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng. Tỉnh cũng đã xây dựng 9 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Sau khi các điểm này đi vào hoạt động kinh doanh, lượng khách đến tham quan, mua sắm tăng lên rõ rệt. Các chủ cửa hàng tập trung giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng trang thông tin điện tử về Chương trình OCOP để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP; xây dựng các gói quà tặng phục vụ cho khách du lịch tham quan trong và ngoài tỉnh...
Theo Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Kiều Văn Dũng, để sản phẩm OCOP gắn kết với thị trường, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm. Chúng tôi đã tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức các hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm; tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm... Các hoạt động này tạo điều kiện cho các chủ thể giao lưu học hỏi, trao đổi hàng hóa và quảng bá các sản phẩm OCOP; trở thành cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước.
Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng để đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng... góp phần hình thành các liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với các nhà phân phối. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất ổn định, mở rộng thị trường.
Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 31 chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh; trong đó có 8 doanh nghiệp với 22 sản phẩm, 12 hợp tác xã với 24 sản phẩm, 11 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh với 15 sản phẩm. Toàn tỉnh có 9/13 địa phương có sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tiêu biểu là huyện Mộ Đức có 19 sản phẩm, TP.Quảng Ngãi có 12 sản phẩm, huyện Trà Bồng có 11 sản phẩm.
Trung Ân