Về làng bưởi Tân Triều dịp cuối năm
Cập nhật: 22/12/2022
Những ngày này, tại làng bưởi Tân Triều (ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) người dân đang tất bật tưới tiêu cho cây, thu hái lứa bưởi chín sớm để kịp cho thương lái mua mang đi tiêu thụ ở mọi nơi. Nhiều thương lái từ TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu…, đến Tân Triều để tìm các vườn bưởi với các trái to, tròn ưng ý, đặt cọc để cận Tết tới hái mang về bán buôn.

Vào những ngày cuối năm 2022 này, chúng tôi đã có dịp tới thăm làng bưởi Tân Triều và cảm nhận được không khí rộn ràng, nhộn nhịp tại các vườn trồng bưởi, khi người dân đang tất bật cho việc chăm sóc, thu hái những trái bưởi. Bưởi Tân Triều không chỉ được “định hình” bằng tiếng vang, lời đồn thổi, mà đúng là chất lượng của các giống bưởi ở đây tuyệt ngon, ngọt khiến bất cứ ai ăn thử một vài lần sẽ khó mà quên được. Chẳng vậy mà bưởi ở đây luôn được nhà vườn bán với giá khá cao, khi hiện tại một chục quả bưởi, giống bưởi Đường Lá Cam, bưởi Ổi, bưởi Đường Hồng…, có giá dao động từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng. Giá bưởi ổn định, được người tiêu dùng đón nhận, đó là lý do người nông dân trồng bưởi ở Tân Triều không chỉ “sống ổn”, mà rất nhiều các gia đình trở nên khá giả, thậm chí giàu có, khi có mức thu nhập cao.

Ngoài thu nhập từ bán bưởi, khoảng hơn chục năm gần đây, rất nhiều hộ gia đình ở tân Triều còn có thêm nguồn thu nhập cũng… đáng kể từ phát triển du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan vườn bưởi. Khách đến đây đều thích thú khi được trở về với thiên nhiên, vườn tược cây trái trĩu cành, mà còn được hít thở không khí trong lành của một vùng quê bình yên, thoáng đãng… Chẳng thế mà vào các dịp nghỉ lễ, hay dịp cuối tuần, khách du lịch, các bạn trẻ từ TP Hồ Chí Minh đổ tới đây khá đông.

Những trái bưởi Đường Lá Cam Tân Triều đang chuẩn bị được cung ứng cho thị trường Tết

Nhắc tới các vùng trồng bưởi nổi tiếng ở nước ta, ngoài Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi da xanh miền đông Nam Bộ… ra, hẳn không thể thiếu được địa danh Tân Triều (trước đây người ta vẫn gọi là bưởi Biên Hoà), bởi nơi đây không chỉ trồng bưởi với diện tích rất lớn, chất lượng bưởi ngon ngọt nức tiếng, mà lịch sử phát triển của cây bưởi ở vùng cù lao của sông Đồng Nai này đã có từ hơn 100 năm trước đây. Tiếp xúc với một số bậc cao niên ở đây, nghe các cụ kể, chúng tôi được biết vùng bưởi Tân Triều hình thành rất sớm vào những năm sau 1869, khi vùng đất này còn hoang vu, dân cư thưa thớt cách tỉnh lỵ Biên Hòa khoảng 10km.

Năm 1869, nhà thờ Tân Triều được xây dựng, cha xứ đã mang hai cây bưởi từ Brazil về trồng trước sân. Hàng năm, cây bưởi cho quả trĩu cành. Thấy vậy, bà con địa phương xin chiết nhánh về trồng và nhân rộng khắp vùng. Sau trận lụt Nhâm Thìn (1952), đất Tân Triều không còn trồng trầu, người dân chuyển sang trồng bưởi. Dần dần, hơn một thế kỷ trôi qua cây bưởi có mặt khắp vùng và trở thành đặc sản của tỉnh Đồng Nai, với nhiều chủng loại khác nhau như bưởi Đường Lá Cam, bưởi Ổi, bưởi Đường Da Láng, bưởi Thanh Trà, bưởi Đường Hồng, bưởi Lựu,... Trong số đó, bưởi Đường Lá Cam Tân Triều và bưởi Ổi Tân Triều là hai giống bưởi có chất lượng đặc thù nhất, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Đi dọc con đường Hương Lộ 9 chạy xuyên cù lao, và các con ngõ nhỏ láng bê tông phẳng phiu dẫn qua các khu vườn xanh mướt mát, chúng tôi bắt gặp bạt ngàn các vườn bưởi sai trĩu quả nhìn vô cùng thích mắt. Hầu như gia đình nhà nào cũng trồng bưởi, khi nhà nhiều lên tới cả vài công đất, trong khi các hộ ít cũng từ dăm chục gốc cho tới vài trăm gốc. Ngoài các giống bưởi truyền thống của địa phương, khoảng vài thập kỷ trở lại đây có không ít các nhà vườn đã đưa thêm một số giống bưởi mới nhập ngoại, mà tiêu biểu là bưởi da xanh ruột hồng về trồng. Chẳng vậy mà có nhiều khu vườn, trên cùng một khoảng diện tích chủ vườn canh tác tới cả gần chục loại bưởi khác nhau.

Bà Lê Thị Hải, năm nay 68 tuổi, chủ một vườn bưởi có diện tích gần 2 sào kể rằng, bao nhiêu năm nay gia đình bà trồng cùng lúc 4 giống bưởi, đó là: Đường Lá Cam, bưởi Ổi, bưởi Lựu, và bưởi Thanh Trà. Thế nhưng những năm gần đây bưởi da xanh ruột đỏ được người tiêu dùng ưa chuộng, vì thế nhà bà cũng đưa khoảng 50 gốc loại này vào trồng và kết quả thu được cũng rất khả quan, khi bưởi có chất lượng rất ngon, chất lượng chẳng hề thua kém bưởi da xanh trồng ở Bến Tre hay các vùng khác.

Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Huấn, năm nay 63 tuổi, trồng hơn 200 gốc bưởi các loại, trong đó số lượng lớn nhất vẫn là bưởi Đường Lá Cam, bưởi Đường Hồng, còn lại là bưởi da xanh. Ông Huấn, kể: “Thực ra thì bưởi da xanh nhà tôi mới đưa vào trồng được cỡ chục năm nay thôi, nhưng nói gì thì nói kinh tế mà giống bưởi mới này mang lại là khá cao, khi nó được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán nhiều thời điểm lên rất cao. Nhà vườn trồng cây cũng chỉ có mục đích chính là thu nhập cao, vì vậy mà trong những năm tới tôi sẽ thanh lọc, các giống bưởi cho thu không cao sẽ bị loại trừ, đưa các giống bưởi chất lượng, được thị trường đón nhận nhiều vào canh tác…”. Theo tìm hiểu, những năm gần đây ngoài việc được mang đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trong nước, thì bưởi có xuất xứ Tân Triều còn được một số công ty, tư nhân xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Pháp, Mỹ…, tuy nhiên số lượng chưa thật nhiều.

Rất nhiều các vườn bưởi ở Tân Triều đã kết hợp phát triển du lịch sinh thái

Tiếp xúc, trò chuyện với rất nhiều bà con nông dân ở Tân Triều, chúng tôi thấy dẫu không ít gia đình đã đưa nhiều giống bưởi mới vào trồng với mục đích mang lại thu nhập cao, thế nhưng đại đa số người dân ở đây vẫn “chung thuỷ” với các giống bưởi truyền thống, vốn là “đặc sản” làm nên thương hiệu của địa phương. Chẳng vậy mà dù có trồng thêm một số giống bưởi mới, khác lạ thì bao giờ các giống bưởi “bản địa” vẫn được ưu ái, gìn giữ.

Như gia đình chị Trần Mỹ Vân, năm nay 45 tuổi, dẫu số cây bưởi danh xanh gần chục năm tuổi của nhà chị cho thu nhập cao hơn hẳn các giống bưởi khác, nhưng chị vẫn lưu giữ, chăm sóc các gốc bưởi Đường Lá Cam, bưởi Ổi, bưởi Đường Da Láng…, mà không phá bỏ đi, bởi chị bảo dẫu sao thì các giống bưởi truyền thống này đã gắn bó không chỉ với gia đình chị, mà hết thảy các hộ dân ở đây nhiều năm, vì vậy việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển sản vật của địa phương mình là trách nhiệm của mỗi người dân, để tiếng vang bưởi Tân Triều không bị mai một… Có một vấn đề mà tôi thấy rất nhiều bà con nông dân ở đây đều đề cập tới, đó là họ mong muốn các công ty, doanh nghiệp, và cả tư nhân, cần tìm nhiều bạn hàng ở nước ngoài, để bưởi Tân Triều được xuất khẩu vươn xa ra rộng rãi trên thị trường quốc tế…

Bài, ảnh: Đặng Đức

TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 21/12/2022