Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội trở thành sự kiện văn hóa, nghệ thuật thường niên quan trọng. Là lĩnh vực mới mẻ, nghệ thuật thị giác được ưu tiên thúc đẩy phát triển trong khuôn khổ lễ hội, giúp tới gần hơn với công chúng.
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội được tổ chức nằm trong cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Trong không gian tràn đầy cảm hứng, nghệ thuật thị giác càng củng cố vị thế quan trọng trong việc góp phần đưa Hà Nội trở thành một trung tâm sáng tạo nổi bật.
Trước hết, phải nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền Hà Nội trong việc dẫn dắt, điều phối lễ hội. Nhờ đó, lễ hội có thể được tổ chức bất cứ không gian nào, tạo nên dấu ấn thị giác đặc biệt.
Điển hình như thành công của chuỗi các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm năm 2023, thu hút hàng vạn người đến tham quan. Trong không gian “di sản công nghiệp”, nghệ thuật thị giác kết nối quá khứ với hiện tại, nghệ thuật lấy cảm hứng từ kỹ thuật để thăng hoa.
Công chúng tham quan trưng bày gốm Bát Tràng tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
Gần đây nhất, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 tập trung vào các di sản kiến trúc-cảnh quan, như: Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, tuyến phố Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, cùng các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng như Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ trước đây)...
Nghệ thuật thị giác tiếp tục được nhấn mạnh qua hàng loạt hoạt động trưng bày nghệ thuật. Các pavilion (gian trưng bày) độc đáo tại Cung Thiếu nhi Hà Nội và Nhà khách Chính phủ không chỉ là nơi sắp đặt những tác phẩm nghệ thuật mà còn là không gian giao lưu, khi nghệ sĩ và khán giả có thể cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm sáng tạo.
Các tác phẩm được sắp đặt tại đây không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn chứa đựng những câu chuyện văn hóa, lịch sử sâu sắc, khơi dậy sự tò mò và hứng thú trong công chúng. Ngoài ra, pavilion “Bảo tàng lịch sử tương lai” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã giới thiệu các mô hình kiến trúc kết hợp giữa tinh hoa truyền thống và hiện đại.
Bên cạnh mục đích trưng bày nghệ thuật, địa điểm này đã trở thành không gian để thế hệ trẻ tìm hiểu, phát huy các giá trị sáng tạo, khẳng định vai trò trong việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Lễ hội thiết kế sáng tạo đã không ngừng thúc đẩy việc kết nối giữa cộng đồng nghệ sĩ và khán giả, tạo không gian cho nghệ thuật thị giác phát triển. Qua các kỳ tổ chức, lễ hội tạo ra nhiều cơ hội quý báu để các nghệ sĩ thể hiện tài năng, giới thiệu những sáng tạo mới mẻ, lan tỏa cảm hứng.
Từ những buổi triển lãm, trưng bày đến các cuộc tọa đàm, hội thảo, nghệ thuật thị giác dần cho thấy tầm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa, nghệ thuật. Việc thúc đẩy sự kết nối giữa các nghệ sĩ trong nước và quốc tế cũng là một trong những thành tựu đáng chú ý của lễ hội.
Các chương trình hợp tác, giao lưu văn hóa không chỉ giúp nghệ sĩ Việt Nam học hỏi từ các đồng nghiệp quốc tế mà còn quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Bài và ảnh: Việt Thành