Là một huyện ngoại thành nằm ở phía nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, Ứng Hòa được biết đến là vùng đất có lịch sử lâu đời với bề dày văn hóa độc đáo, hấp dẫn mang đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Với tiềm năng du lịch phong phú, nơi đây được định hướng trở thành một điểm đến cuối tuần nổi bật ở khu vực phía nam Hà Nội, một vùng di sản ngoại thành hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Du khách nước ngoài hào hứng chụp ảnh check-in tại điểm tham quan Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu.
Điểm đến di sản hấp dẫn
Khoảng 10 năm trước, làng nghề làm tăm hương ở thôn Cầu Bàu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) còn khá xa lạ với nhiều người dân và du khách. Thế nhưng vẻ đẹp độc đáo của làng quê này cùng hình ảnh những bó tăm hương nhiều màu sắc được xếp thành hình chữ “S” - hình đất nước Việt Nam, hay hình lá cờ đỏ sao vàng, trái tim... đã “viral” (lan truyền) trên khắp các nền tảng xã hội, thu hút không chỉ các du khách trong nước mà còn rất nhiều khách quốc tế đến với Ứng Hòa trong những năm gần đây.
Với điều kiện địa hình, cảnh quan đặc trưng của vùng nông thôn đồng bằng châu thổ sông Hồng cùng tài nguyên văn hóa đặc sắc, Ứng Hòa có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó, nổi bật là tài nguyên du lịch văn hóa gắn với văn hóa truyền thống, nông nghiệp và nông thôn. Trên địa bàn huyện có 433 di tích, trong đó có 66 di tích cấp quốc gia và 106 di tích cấp thành phố, tiêu biểu như đình Hoàng Xá, đền Đức Thánh Cả, Khu di tích Xứ ủy Bắc Kỳ, Tượng đài chiến thắng khu Cháy và Bảo tàng quê hương phong trào Chiếc gậy Trường Sơn... Hệ thống di tích của huyện không chỉ có giá trị về mặt văn hóa - lịch sử mà còn có giá trị về mặt điêu khắc, nghệ thuật truyền thống.
Ứng Hòa cũng là địa phương có lợi thế nổi bật về tiềm năng du lịch làng nghề. Trên địa bàn huyện hiện có 120 làng có nghề, trong đó có 21 làng nghề đã được công nhận. Nhiều làng nghề có đủ tiêu chí để trở thành điểm du lịch như Làng may áo dài Trạch Xá, Làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu, Làng đàn Đào Xá, Làng mây, tre đan Trường Thịnh... Bên cạnh đó, nền ẩm thực truyền thống với những đặc sản trứ danh đã làm nên thương hiệu cho Ứng Hòa gồm có: Giò Đình Nồi, mộc tồn (thịt chó), vịt cỏ Vân Đình, bún Bặt, cháo cá rô và riêu cá mè Vân Đình...
Đặc biệt, Ứng Hòa còn được biết đến là quê hương của môn võ thuật Thiên Môn đạo (thôn Dư Xá, xã Hòa Nam) - một môn võ lâu đời, thuần Việt, được hình thành và phát triển song hành cùng những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của lịch sử nước nhà. Thiên Môn đạo gắn liền với lịch sử vùng đất Dư Xá Thượng từ thế kỷ X - nơi còn lưu lại dấu tích vua Đinh Bộ Lĩnh luyện quân và ngôi đền Bách Linh tạc ghi tên tuổi của Tổ sư môn phái Thiên Môn đạo. Đây là những tiềm năng, lợi thế để Ứng Hòa phát triển sản phẩm du lịch võ học gắn với tham quan, trải nghiệm, tập luyện và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Nằm trên quốc lộ 21B, Ứng Hòa còn đóng vai trò quan trọng trong tuyến du lịch tâm linh từ trung tâm Hà Nội đến Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn - một trong những điểm du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam, kết nối với chùa Tam Chúc (Hà Nam) và chùa Bái Đính, Di sản thế giới Tràng An, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Nền văn hóa phong phú và cùng hệ thống di sản quý báu trên chính là nguồn lực để Ứng Hòa phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế chính của huyện, đưa Ứng Hòa trở thành điểm đến hấp dẫn nhất khu vực phía nam Thủ đô trong tương lai.
Cơ hội “cất cánh”
Dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng những năm qua, du lịch Ứng Hòa vẫn khẳng định sức hấp dẫn của mình thông qua số lượng khách đến với huyện. Năm 2023, huyện đã đón 239 nghìn lượt khách du lịch, năm 2024 đón khoảng 270 nghìn lượt. Căn cứ vào các mục tiêu cụ thể cũng như định hướng phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội, Ứng Hòa đặt mục tiêu năm 2025 đón khoảng 300 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 18 nghìn lượt khách; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 600 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 45 nghìn lượt khách.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết, những mục tiêu trên được đặt ra trên cơ sở đánh giá những cơ hội thuận lợi về sự phát triển mạnh mẽ của du lịch trong giai đoạn hiện nay; xu hướng du lịch trải nghiệm với các yếu tố độc đáo, khác lạ và nhu cầu du lịch cuối tuần, tour đêm ngày càng cao của du khách; xu hướng ưu tiên các địa điểm du lịch gần, giá cả phải chăng của khách du lịch Hà Nội; và sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ được đặt tại hai huyện Ứng Hòa và Phú Xuyên, kéo theo sự phát triển của đô thị - dịch vụ - công nghiệp. Dựa trên những cơ hội này, du lịch Ứng Hòa được kỳ vọng sẽ “cất cánh” với các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch văn hóa; du lịch đêm gắn với ẩm thực, mua sắm, sự kiện, giải trí về đêm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch võ học; du lịch mua sắm; du lịch ẩm thực...
Đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Ứng Hòa, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, cần bảo tồn và phát huy những tài nguyên quý giá của Ứng Hòa, đồng thời kết nối với các sản phẩm du lịch hiện đại để tạo ra một mô hình du lịch bền vững và thu hút du khách.
“Du lịch Hà Nội nói chung và huyện Ứng Hòa nói riêng đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ, với mục tiêu phát triển bền vững, gắn liền với bảo tồn di sản văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại giá trị kinh tế cho cộng đồng. Huyện Ứng Hòa, với vị trí trung tâm của tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long”, trung tâm dịch vụ du lịch của tuyến du lịch “Hà Nội - Hương Sơn - Tam Chúc - Bái Đính” chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới”.
Bài và ảnh: Bảo Khánh