Orange Farm Vàng Danh tại thôn Đồng Bống - Miếu Thán (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) là mô hình vườn cây trải nghiệm (farmstay) vừa gia nhập làng du lịch đồng quê của Quảng Ninh đầu tháng 12/2022.
Orange Farm Vàng Danh mới khai trương đầu tháng 12/2022 đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.
Orange Farm Vàng Danh rộng gần 7ha, bao gồm các loại cây cam canh, chanh đào, bưởi đào… đang vào mùa thu hoạch. Nét trù phú của vườn cây có múi này thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm. Tại Orange Farm Vàng Danh, du khách được tự tay thu hoạch những quả cam chín vàng; check-in tại những gốc bưởi, hay những cây chanh đào trĩu nặng quả; thưởng thức đồ uống organic được chế biến hoàn toàn từ nông sản của vườn; trải nghiệm các công việc hằng ngày của một người nông dân; tận hưởng không gian yên tĩnh... Orange Farm Vàng Danh cũng cung cấp các dịch vụ du lịch như cắm trại, dã ngoại, tổ chức sự kiện, sinh nhật, kỷ niệm... Từ sự độc đáo, cuốn hút nói trên, kể từ khi mở cửa đến nay, mỗi ngày Orange Farm Vàng Danh đều đón hàng trăm du khách.
Chủ của Orange Farm Vàng Danh, chị Đào Thị Hoà với niềm đam mê du lịch trải nghiệm đã thiết kế vườn cây trải nghiệm này mang dấu ấn của riêng mình, tạo ra một khu vườn bình dị từ việc trồng rau, hái quả mà không kém phần tươi đẹp, trong lành. Theo chị Hoà, sắp tới Orange Farm Vàng Danh sẽ tiếp tục được trồng xen, trồng bổ sung nhiều loại cây trái ngon lành khác, được tạo hình với những chủ đề rõ nét, được cập nhật mới những kỹ năng canh tác, ứng dụng công nghệ hiện đại trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch cây trái, cung cấp cho du khách cái nhìn mới về sản xuất nông nghiệp…
Du khách trải nghiệm tại Orange Farm Vàng Danh.
Orange Farm Vàng Danh chỉ là một trong nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trên địa bàn Quảng Ninh. Nông nghiệp kết hợp du lịch được biết đến từ cách đây hơn chục năm trước với điển hình đầu tiên là mô hình du lịch làng quê Yên Đức (TX Đông Triều). Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã có những đồi chè Quảng Long (huyện Hải Hà), trang trại hoa lan Đồng Ho (TP Hạ Long), vườn hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu), vườn hoa Yên Trung lake (TP Uông Bí), mô hình rau thuỷ canh Greenfarm 188 Mạo Khê (TX Đông Triều), khu sinh thái gia đình xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên), vườn cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn), vườn na, cam, ổi VietGAP tại Đông Triều, Hạ Long… Mỗi mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch như thế đều là địa chỉ đỏ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Điều đáng nói, không phát triển đơn thuần, tự phát, nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch đã ngày càng mở rộng dịch vụ, làm gia tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Ví như đồi chè Quảng Long đã có những điểm check-in độc đáo dành cho thiết bị fly cam, có vị trí thưởng trà thơ mộng, có đội xe điện đưa du khách tham quan dọc các tuyến đường nội đồng kết nối trên đồi chè… Khu sinh thái gia đình xã Hải Lạng cho phép du khách mò cua, bắt cá tôm, mở tiệc nướng hải sản ngay trên bờ đầm, đưa du khách trở về với hoài niệm tuổi thơ của mình…
Khu sinh thái gia đình ở xã Hải Lạng đưa du khách trở về với hoài niệm tuổi thơ. Ảnh: Nguyễn Dung
Huyện Bình Liêu có thể nói là địa phương đã và đang phát huy thế mạnh nông nghiệp vào phát triển du lịch khi mang đến cho du khách những lễ hội hoa sở, ngày hội mùa vàng, tới đây là ý tưởng ngày hội kiêng gió kết hợp trải nghiệm rừng hồi, rừng quế; phiên chợ vùng cao kết hợp nghề trồng dong, sản xuất miến dong... Điều này đã khiến cho vùng đất Bình Liêu thêm sắc màu tươi mới, hấp dẫn, thúc đẩy kinh tế du lịch trên toàn địa bàn huyện.
Có thể thấy nông nghiệp kết hợp du lịch đã, đang và sẽ là hướng đi quan trọng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, cũng như xu thế phát triển tất yếu. Mô hình kinh tế kết hợp này cũng mang lại giá trị cao hơn nhiều so với nông nghiệp, hoặc du lịch đơn thuần, tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả 2 ngành kinh tế nông nghiệp và du lịch, thúc đẩy phát triển nền kinh tế nói chung của tỉnh.
Việt Hoa