Lai Châu: Sìn Hồ bảo tồn văn hóa các dân tộc
Cập nhật: 28/02/2023
Huyện vùng cao Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có 14 dân tộc cùng chung sống. Tại đây, hội tụ những giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc, trong đó có những nét đặc trưng về văn hóa của các dân tộc: Mông, Dao, Thái... là rõ nét nhất. Bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây đang đối mặt với nhiều nguy cơ mai một. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, địa phương cần có những giải pháp phù hợp, kịp thời.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị cốt lõi trong văn hóa của cộng đồng dân tộc vùng cao Sìn Hồ được cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp thích hợp trong duy trì và phục dựng, quảng bá các giá trị truyền thống lâu đời. Việc bảo tồn cần phải đi đôi với việc tôn vinh và khôi phục những giá trị truyền thống của các dân tộc từng định cư sinh sống lâu đời trên địa bàn.

Thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa như: lễ hội, hội thi văn nghệ, triển lãm, diễn đàn trao đổi văn hóa... giúp giới trẻ hiểu biết và yêu thích văn hóa của cha ông mình, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc.

Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cũng là một phương án hiệu quả thiết thực để duy trì nét riêng trong văn hóa vùng cao Sìn Hồ. Du lịch giúp giới thiệu và quảng cáo những giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc đến với đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Điều này cũng mang lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định cho người dân, tạo điều kiện để bà con tiếp tục giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc mình.

Chị Chẻo Thị Thanh - Khu 6 (thị trấn Sìn Hồ) chia sẻ: Từ nhỏ tôi được học múa hát và thêu từ các nghệ nhân, người cao tuổi trong thời gian dài đã khiến tôi có niềm yêu thích rất lớn trong việc sưu tầm, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Giờ đây, nhờ có vốn kiến thức cơ bản về văn hóa truyền thống của địa phương, hiểu được nét đẹp của dân tộc mình giúp tôi vững tin trong việc phát triển mô hình kinh doanh du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng... được nhiều du khách yêu thích.

Thiếu nữ người dân tộc Dao ở thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ) hiện vẫn duy trì sử dụng trang phục truyền thống trong những ngày lễ hội, sự kiện lớn của gia đình và địa phương.

Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc dân tộc. Tại các trường, các cấp học trên địa bàn huyện các nội dung văn hóa của các dân tộc đều được lồng gép vào chương trình giảng dạy, các buổi giao lưu ngoại khóa... giúp học sinh hiểu, yêu thích văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, cần có sự chuyển giao kiến thức và kỹ năng từ các cụ già và những người lưu giữ văn hóa truyền lại cho thế hệ trẻ.

Hiện tại các trường học trên địa bàn huyện Sìn Hồ đều có các giờ học ngoại khóa giới thiệu các lễ hội truyền thống của các dân tộc như: lễ hội gầu tào của dân tộc Mông, hội té nước của dân tộc Thái, Lào, Lự... giới thiệu, tổ chức trò chơi dân gian ném còn, kéo co, đẩy gậy của các dân tộc…

Huyện còn mở lớp dạy thêu thổ cẩm, chữ Dao, múa khèn Mông, thổi kèn lá, kèn môi, kỹ năng chế tác nhạc cụ dân tộc như: khèn, sáo của dân tộc Mông, đàn, nhị của dân tộc Thái, kỹ năng làm trống của dân tộc Dao, kỹ năng chế tác đồ thủ công mỹ nghệ chạm khắc bạc… thu hút đông đảo giới trẻ tham gia học tập nghiên cứu và giao lưu văn hóa.

Ông Tẩn A Xoang - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sìn Hồ chia sẻ: Những năm gần đây, huyện Sìn Hồ đã tăng cường đầu tư vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương thông qua việc hỗ trợ ngân sách và chính sách hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao, tạo tinh thần gắn kết trong cộng đồng. Các phòng, ban chuyên môn cũng phối hợp chặt chẽ với địa phương để phục dựng, duy trì các hoạt động văn hóa hiệu quả, bền vững.

Với ngành Văn hóa huyện thì việc thu gom lưu giữ và trưng bày các sản phẩm văn hóa trong cộng đồng thông qua các chương trình văn hóa, hội thảo, kết nối các đơn vị kinh doanh sản phẩm văn hóa địa phương, tạo động lực cho người dân phát huy giá trị bản sắc, có thể nói đây là tài nguyên thúc đẩy ngành Du lịch phát triển.

Bản sắc văn hóa của các dân tộc tại huyện Sìn Hồ là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa miền Tây Bắc. Với những nét đặc trưng riêng biệt về tín ngưỡng, phong tục, tập quán và truyền thống, bản sắc văn hóa này góp phần làm đa dạng cho văn hóa tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao Sìn Hồ đang đối mặt với nguy cơ mai một do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: quá trình đô thị hóa nhanh, cơ cấu kinh tế thay đổi, phương tiện truyền thông đại chúng phát triển kéo theo các hoạt động đổi mới... Điều này dẫn đến sự giảm nhẹ hoặc thậm chí là mất đi nhiều yếu tố cấu thành bản sắc của văn hóa dân tộc. Hơn nữa, các chính sách phát triển của kinh tế, địa lý và văn hóa cũng có thể gây ra sự mất mát và mai một bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Để bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc tại huyện Sìn Hồ được hiệu quả, phù hợp với mục tiêu chung, cấp ủy, chính quyền huyện cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương và cộng đồng cùng đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả, duy trì và phát triển các giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng sẽ tạo cơ hội phát triển ngành Du lịch, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Mạnh Hùng

Báo Lai Châu - baolaichau.vn - Đăng ngày 27/02/2023