Xã Sơn Dung (Sơn Tây) có 3 nghệ nhân: Đinh Văn Phú, Đinh Thanh Nhanh và Đinh Văn Tinh vinh dự được phong tặng nghệ nhân ưu tú (NNƯT) vào cuối năm 2022. Các nghệ nhân này đã có nhiều đóng góp để bảo tồn văn hóa dân tộc Ca Dong.
Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong huyện Sơn Tây tổ chức sinh hoạt trong dịp đầu năm mới. Các nghệ nhân đánh chiêng, chơi đàn, hát dân ca, mỗi người một thế mạnh khác nhau nhưng cùng chung tâm huyết bảo tồn văn hóa, những giá trị tốt đẹp của đồng bào Ca Dong. Phó Chủ nhiệm CLB Văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong huyện Sơn Tây Đinh Thanh Sơn cho biết, CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần/tháng. Trong các buổi sinh hoạt, các nghệ nhân cùng các thành viên trong CLB truyền dạy cho lớp trẻ về giá trị văn hóa truyền thống.
Các nghệ nhân ở huyện Sơn Tây tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong. Ảnh: Trí phong
Tại buổi sinh hoạt, NNƯT Đinh Văn Phú thể hiện bài hát “Vùng Huy Măng” do ông và các nghệ nhân trong CLB sáng tác, với giọng hát khỏe khoắn. “Anh ở núi cao/Em vào núi rừng/Nghe chim Bling Cacheo, nghe chim Bleo nó hát... ớ hơ...ớ hơ/ Núi rừng quê ta âm vang tiếng chiêng.../ Đất quê ta có nhiều nguồn suối/ Núi Sơn Tây lên đỉnh heo mây/ Dù đi đâu ai cũng nhớ/ Dòng sông Rin điện sáng lên rồi...". Như thăng hoa trong các bản nhạc dân gian, già Phú tiếp tục hát những bài hát dân ca do mình sáng tác với âm điệu da diết, trữ tình.
Già Phú còn thuộc nhiều câu chuyện cổ xưa về người Ca Dong. Ông vận dụng các làn điệu dân ca Ca Dong như ca choi, giê ô giê, ra ghế... để kể chuyện khiến mọi người say sưa lắng nghe. Anh Đinh Văn Anh, ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa (Sơn Tây) chia sẻ, mỗi khi nghe già Phú kể chuyện, cộng với hát dân ca là muốn ngồi nghe cả ngày, cả đêm không biết chán. Tôi theo học già Phú để biết các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào mình.
Nghệ nhân Đinh Thanh Nhanh (48 tuổi) cũng am hiểu các làn điệu dân ca và có sở trường đánh chiêng. Anh sử dụng thành thạo các loại Chinh Lên, Chinh Nâng của người Ca Dong. Theo anh Nhanh, để đánh chiêng tốt và hay, người đánh cần nắm bắt rõ các bài nhạc chiêng và tùy theo nhịp điệu của từng bài, nhất là các bài chiêng cổ, bài chiêng truyền thống đánh trong các dịp lễ hội mừng lúa mới, mừng chiến thắng, gọi bạn, hay các điệu chiêng về tình yêu nam nữ... “Đánh chiêng phải tập trung, hào hứng. Để tiếng nhạc chiêng được trầm hùng, dồn dập, ấm áp, du dương theo điệu nhạc và vang xa, phải có sự điều chỉnh độ mạnh nhẹ của lực tay và chân…”, anh Nhanh nói.
Nghệ nhân Đinh Văn Tinh cũng am tường các làn điệu dân ca, biết sử dụng và làm một số nhạc cụ dân tộc Ca Dong. Nhiều năm qua, ngôi nhà của ông Tinh là điểm hẹn của nhiều già làng, thanh niên ở địa phương, để cùng nhau chơi các loại nhạc cụ, hát làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Ca Dong. Vào những đêm trăng, bên bếp lửa bập bùng, ngôi nhà của ông Tinh vang vọng âm thanh trầm bổng của tiếng sáo ta lía, tiếng đàn vrook... Ông Tinh đã nỗ lực truyền dạy cho lớp trẻ nghệ thuật truyền thống của dân tộc Ca Dong. Các con, cháu của ông đều tham gia đội chiêng, biết hát dân ca và rành nghi thức lễ hội của người Ca Dong. Hiện gia đình ông vẫn còn giữ những chiếc chiêng quý để phục vụ các lễ hội truyền thống của đồng bào Ca Dong.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Tây Lê Phương Nam cho biết, địa phương đang thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Ca Dong. Trên địa bàn huyện đã thành lập các CLB truyền dạy cồng chiêng, CLB văn hóa dân gian... Qua đó, tạo điều kiện để thế hệ trẻ rèn luyện, học hỏi kỹ năng đánh chiêng, múa hát các làn điệu dân ca... nhằm góp phần nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong.
Trí Phong