1. Tháng ba về, khởi đầu một mùa hè, mùa du lịch khám phá lý tưởng. Vùng đất Nam Trung bộ trời nắng vàng dịu nhẹ thật chiều lòng người. Từng cơn gió thổi, len lỏi qua những ngọn cây, khiến người ta cảm thấy se lạnh, ngay cả khi đang ở xứ nóng như Phan Thiết. Từ vùng núi cao Đa Mi của Bình Thuận, đoàn chúng tôi vượt đèo lên Đà Lạt vào dịp cuối tuần.
Cao nguyên xanh rộng lớn hiện lên trong mắt tôi thật khác lạ sau 5 năm trở lại. Như một thương hiệu, sức hút lạ kỳ, dù trải qua nhiều năm với biết bao đổi thay nhưng thành phố ngàn hoa từ trước đến nay vẫn luôn là chốn mộng mơ với muôn vàn cảnh đẹp, trăm hoa đua sắc thu hút du khách đặt chân đến. Thời gian tôi sinh sống, học tập tại Đà Lạt dù không nhiều nhưng cũng đủ để cảm nhận được sự nguyên sơ, trong lành của vùng cao nguyên này.
Trong ký ức của tôi, Đà Lạt vẫn là thành phố “3 không” (không đèn đỏ, không điều hòa, không xích lô) của hơn chục năm về trước. Khi ấy, phương tiện xe ô tô, xe máy còn chưa nhiều. Đường phố không đèn xanh, đèn đỏ. Địa hình ở đây là những con đường, con dốc cao thấp, nhấp nhô theo những căn nhà, biệt thự với từng con ngõ dốc cao uốn lượn. Tôi hầu như không hề chứng kiến cảnh kẹt xe, kẹt đường ở những ngã ba, ngã tư. Ở đó chỉ có những vòng xuyến lớn, nhỏ để người tham gia giao thông lần lượt đi qua theo tuần tự. Dọc các vỉa hè, rất nhiều người đi bộ, tay cầm chiếc dù che những giọt mưa phùn rơi xuống, thư thả bước đi. Cái lạnh ở Đà Lạt dường như được khỏa lấp, thú vị khi du khách, người dân bản địa và hàng ngàn sinh viên thích thú với ly sữa đậu nành nóng hổi giữa đêm lạnh. Đà Lạt - vùng cao nguyên năm ấy, mới 8 giờ tối hầu hết các con đường đã vắng lặng. Mọi người đều đi ngủ sớm, hay nghỉ ngơi trong căn nhà ấm áp sau một ngày làm việc, học tập mệt nhọc. Chính đặc trưng về địa hình, khí hậu ấy đã phần nào hình thành nên một lối sống bình dị, nhẹ nhàng của những con người đang sinh sống ở vùng đất cao nguyên này.
2. Từ Bình Thuận ngược lên Đà Lạt những ngày đầu tháng ba này, tôi khá ngạc nhiên với sự đổi thay ở xứ sở mộng mơ. Thành phố “3 không” nay chỉ còn “2 không”, khi Đà Lạt đã dần bắt nhịp và mang dáng dấp của đô thị. Trước sự phát triển không ngừng của xe ô tô, xe máy và mật độ dày đặc của dân cư, khách du lịch ngày càng đông đúc. Đường phố ở Đà Lạt đã được lắp đặt hệ thống đèn giao thông vài ba năm nay. Do đặc điểm địa hình dốc, nhỏ, nên vào giờ cao điểm tôi vẫn bị lọt thỏm giữa ngã tư đường, do kẹt xe khi chờ đèn xanh, đèn đỏ. Chợ đêm Đà Lạt vẫn là một trong những địa điểm thu hút đông du khách khi đến đây. Dòng người tấp nập đi mua sắm đặc sản cao nguyên về làm quà. Sản phẩm đặc trưng nhất vẫn là quần áo, nón mũ bằng chất liệu len, dày, sẵn sàng ủ ấm cho du khách dưới cái lạnh se sắt khi sương xuống. Gần 11 giờ đêm, nhiều quán cà phê, trà sữa xung quanh khu vực chợ đêm mới bắt đầu đóng cửa, cũng là thời gian thích hợp để du khách trở về nghỉ ngơi, chuẩn bị sức khỏe để khám phá những điểm du lịch sinh thái đặc trưng khác…
Bạn tôi, một người đã gắn bó hơn 20 năm ở Đà Lạt, khi tạm chia tay vẫn không quên nhắn gửi: “Bình Thuận - Lâm Đồng là hai đặc trưng khí hậu, địa hình khác biệt, bên núi - bên biển, bên cao - bên thấp, bên nóng - bên lạnh. Vì vậy, năm nào bạn cũng dành thời gian cùng gia đình xuống Bình Thuận du lịch, tắm biển, trượt cát, thưởng thức vẻ đẹp “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” nơi đây. Những cung đường kết nối từ Bình Thuận lên Lâm Đồng cũng không độc đạo. Du khách có thể đi tuyến đường Hàm Thuận – Đa Mi – quốc lộ 55; đèo Đại Ninh – Đức Trọng, hay qua đèo Gia Bắc, nối huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) Di Linh (Lâm Đồng)…
Bình Thuận là nơi đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, mời gọi du khách khắp mọi miền đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Dựa vào những đặc trưng và tiềm năng du lịch Bình Thuận, tôi mong muốn những người bạn của mình và du khách muôn nơi sẽ có sự giao thoa văn hóa, du lịch khám phá giữa các vùng miền. Tôi hy vọng ký ức của họ khi đến với Bình Thuận sẽ mãi đậm sâu như ký ức của tôi khi trở lại vùng cao nguyên xanh Đà Lạt.
Kiều Hằng