Nhiều năm nay, người dân thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị luôn tự hào về cảnh sắc hiếm nơi nào có được ở quê hương mình. Sự tự hào ấy như được nhân thêm từ khi bà con làm du lịch. Để có hôm nay, người dân thôn Chênh Vênh rất biết ơn sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành, đơn vị liên quan và các tổ chức, cá nhân, trong đó có anh Phạm Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Ken Travel.
Lối mở đến niềm vui
Anh Hồ Văn Quyết, Tổ phó Tổ du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh vui mừng cho biết, rất đông khách du lịch đã đến quê hương mình vào dịp nghỉ lễ vừa qua. Trong số họ, không ít người ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có nhiều điểm du lịch, khu vui chơi hấp dẫn nhưng vẫn tìm tới thôn Chênh Vênh.
Để không phụ lòng khách, anh Quyết và các thành viên trong tổ nhắc nhau phải làm tốt công việc của mình. Ai cũng vui vì thấy du khách cười đùa vui vẻ khi hòa mình dưới làn nước suối trong mát của thác Chênh Vênh; tham quan đồi Sa Mươi mây phủ; thưởng thức những món ẩm thực vùng cao…
Anh Phạm Hoàng Phương đưa các cá nhân, đơn vị lữ hành đến thôn Chênh Vênh để trải nghiệm và hỗ trợ người dân làm du lịch - Ảnh: T.L
Anh Hồ Văn Quyết sinh ra, lớn lên, rồi lập gia đình riêng giữa đại ngàn phía Tây Quảng Trị. Ở quê anh Quyết, phần lớn người dân đều gắn bó với rẫy nương. Vợ chồng anh không phải là ngoại lệ. Quanh năm gieo giọt mồ hôi trên nương, dẫu hay lam, hay làm nhưng vợ chồng anh Quyết vẫn quẩn quanh trong khó nghèo.
Mỗi lần thấy 4 người con không có điều kiện sống, học tập tốt, nỗi buồn lại dâng lên trong lòng vợ chồng anh Quyết. “Vợ chồng tôi luôn nghĩ phải tìm một cách nào đó để có thêm thu nhập. Thế nhưng, điều đó rất khó đối với những người không được học hành bài bản, thiếu vốn, không được tiếp xúc, giao lưu nhiều… như chúng tôi”, anh Quyết nói.
Tâm sự của vợ chồng Quyết cũng như nhiều người dân thôn Chênh Vênh đã được lắng nghe, thấu hiểu. Với sự tận tâm, trách nhiệm, các cán bộ huyện, xã và dự án đã về tận thôn để giúp bà con tháo gỡ khó khăn.
Một trong những hướng đi được xác định và đặt nhiều kỳ vọng chính là khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để làm du lịch. Ngay sau đó, những công trình, phần việc đầu tiên đã được các cấp, ngành, đơn vị liên quan và dự án triển khai.
Bà con rất mừng khi thấy 5 căn nhà chung làm homestay được nâng cấp, sửa chữa; các lễ hội được phục dựng; những địa điểm đẹp, ấn tượng được đưa vào “bản đồ du lịch” thôn Chênh Vênh… Cái khó còn lại là dân bản vẫn chưa quen với việc làm du lịch.
Trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của anh Phạm Hoàng Phương đã mang lại niềm tin, hy vọng cho người dân thôn Chênh Vênh. Nhận lời mời từ cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa và dự án, anh Phương đến truyền đạt cho người dân nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm du lịch. Anh Phương cũng chính là người đưa khách du lịch tới bản.
“Ngoài giảng dạy, anh Phương còn giúp chúng tôi rất nhiều điều. Đợt nghỉ lễ vừa rồi, nhiều khách hàng của chúng tôi là người quen của anh Phương. Chúng tôi rất biết ơn anh- “người thầy” đã dạy dân bản làm du lịch”, anh Quyết nói.
Góp sức bằng cả tấm lòng
Nhắc đến những tín hiệu vui ban đầu trong việc làm du lịch của người dân thôn Chênh Vênh, anh Phạm Hoàng Phương (sinh năm 1985), Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Ken Travel, có văn phòng ở TP. Đông Hà không giấu hết niềm vui. Trước đây, anh Phương theo học chuyên ngành Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Khoa học Huế. Sau khi tốt nghiệp đại học, dẫu có công việc ổn định nhưng anh vẫn quyết định “rẽ lối” sang làm du lịch.
Năm 2015, Công ty Cổ phần Du lịch Ken Travel ra đời. “Trước khi bắt tay làm du lịch, tôi đã học tập khá nhiều điều bổ ích từ các giảng viên, người có kinh nghiệm, đồng nghiệp… Càng học, tôi càng yêu thêm công việc mình đang làm. Từ sâu trái tim mình, tôi luôn muốn chia sẻ những điều mình tích lũy được cho mọi người”, anh Phương nói.
Làm du lịch nên anh Phương đến rất nhiều miền quê trong tỉnh. Một lần lên miền Tây Quảng Trị, anh thấy đây là mảnh đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Đặc biệt, trên mảnh đất này, có nhiều người trẻ khát khao tạo ra các sản phẩm du lịch để làm đẹp thêm cho bức tranh chung của quê hương.
Thế nhưng họ vẫn đang chật vật tìm lối ra. Nhận thấy điều đó, anh Phương nghĩ, biết đâu những điều mình được học tập, trải nghiệm có thể mang lại lợi ích cho mọi người. Vì vậy, khi nhận lời mời của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa, anh Phương đã có một buổi trò chuyện với những người trẻ đã hoặc đang ấp ủ dự định làm du lịch ở Hướng Hóa.
Thấy nhiều điều mới mẻ, bổ ích trong những chia sẻ của anh Phương, sau này, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tiếp tục mời anh đứng lớp, dạy bà con ở bản Chênh Vênh làm du lịch.
Thực ra, trước khi đứng lớp hỗ trợ bà con thôn Chênh Vênh, anh Phương đã có lần lên đây. Ở mảnh đất này, anh nhận thấy có nhiều thứ để níu chân khách, từ cảnh sắc nên thơ, trữ tình, đến những con người hiền lành, hiếu khách, rồi cả những món ăn ngon…
Thế nhưng, việc biến những lợi thế ấy thành sản phẩm du lịch không đơn giản. Cái khó hơn nữa là thay đổi nhận thức, giúp bà con quen rồi biết cách làm du lịch.
“Trong các buổi chuyện trò, tôi không nói những điều xa lạ, đao to, búa lớn mà bắt đầu bằng những điều gần gũi, thân thuộc… để thu hút sự quan tâm của người dân. Tôi dành nhiều thời gian giúp bà con hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng”, anh Phương chia sẻ.
Hiểu rằng nếu chỉ truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng là chưa đủ, anh Phương còn đưa khách du lịch đến với người dân thôn Chênh Vênh. Trước khi đoàn khách tới, anh Phương còn cẩn thận cử nhân viên lên sớm hơn để hướng dẫn người dân chuẩn bị những thứ nhỏ nhất. Trong quá trình đón tiếp khách du lịch, anh và các nhân viên Công ty Cổ phần Du lịch Ken Travel tiếp tục “cầm tay chỉ việc”.
Nhờ thế, thành viên trong tổ du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh đã dần quen với việc vận hành homestay; phục vụ, hỗ trợ khách; trở thành hướng dẫn viên giới thiệu cảnh sắc quê hương và chuẩn bị bữa ăn phục vụ khách…
Tín hiệu khả quan ấy đã thôi thúc anh Phương tổ chức một chuyến farmtrip với sự tham gia của nhiều cá nhân, đơn vị lữ hành. Chính các thành viên tham gia chuyến đi này cũng đã giúp người dân thôn Chênh Vênh có thêm nhiều kinh nghiệm làm du lịch.
Giờ đây, chuyện làm du lịch không còn xa lạ với người dân thôn Chênh Vênh. Bà con đã chủ động trong việc đón tiếp, phục vụ du khách. Dẫu vậy, anh Phương vẫn thường xuyên liên lạc thăm hỏi tình hình; “hướng dẫn từ xa” thành viên tổ du lịch cộng đồng; giới thiệu khách đến tham quan, trải nghiệm…
Một cách lặng lẽ và tâm huyết, anh cùng nhiều người khác đã và đang mở một lối đi mới để người Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh không còn quẩn quanh trong nghèo khó, lạc hậu. Đối với anh Phương, đây cũng là cách để mình tri ân công việc đang làm.
Tây Long