Kiên Giang: Hà Tiên liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Cập nhật: 22/05/2023
Sản phẩm du lịch TP. Hà Tiên (Kiên Giang) ngày càng được đầu tư phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được củng cố và nâng cao, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách. Từ đó du khách đến Hà Tiên tăng; doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch tăng trưởng mạnh, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Năm 2022, TP. Hà Tiên đón trên 2,3 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 1.541 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2023, thành phố đón trên 750.000 lượt du khách, đạt 30,66% kế hoạch. Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ TP. Hà Tiên nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đẩy mạnh phát triển du lịch, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng thành phố trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố định hướng tập trung khai thác sản phẩm du lịch thế mạnh là di tích lịch sử - văn hóa; du lịch trải nghiệm; khám phá biển, đảo; phát huy khai thác giá trị tâm linh tại các cơ sở thờ tự, đền, chùa; phát triển mạnh du lịch sinh thái đầm Đông Hồ, du lịch cộng đồng xã đảo Tiên Hải.

Du khách tắm biển tại bãi tắm Mũi Nai (TP. Hà Tiên).

Những hạn chế về phát triển du lịch Hà Tiên được nhận định gồm sản phẩm du lịch chưa rõ nét, chưa đa dạng. Hoạt động khai thác tại các khu, điểm du lịch Mũi Nai, Thạch Động, Đá Dựng... còn đơn điệu, chủ yếu tham quan, ngắm cảnh. Thành phố chưa có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí ở biển. Du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ, du lịch cộng đồng xã Tiên Hải chưa huy động được sự tham gia của người dân nên chưa hấp dẫn du khách trong trải nghiệm, khám phá các điểm du lịch.

Các cơ sở lưu trú du lịch hạ thấp chất lượng từ khách sạn xuống nhà nghỉ, đi ngược xu hướng phát triển chung của ngành du lịch Hà Tiên. Các dự án chất lượng cao mới xin chủ trương đầu tư như dự án khu tổ hợp du lịch Sala Hà Tiên Resort & Hotel, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Cityland - Mũi Nai, dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại xã Tiên Hải…

Để du lịch phát triển tương xứng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, TP. Hà Tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đồ án quy hoạch chung thành phố và Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; thực hiện cơ chế linh hoạt, chính sách thu hút đầu tư để phát triển nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Thành phố tiếp tục liên kết, phát triển sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù; đa dạng hóa sản phẩm và loại hình du lịch như du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, du lịch cửa khẩu Hà Tiên, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo, hội chợ, du lịch thông qua sự kiện, du lịch mua sắm… nhằm đáp ứng yêu cầu khách du lịch.

Ngoài ra, TP. Hà Tiên chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập và phát triển thông qua chương trình đào tạo trong và ngoài nước; tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp; phối hợp nâng cao hiệu quả tuyên truyền; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, phát hành ấn phẩm quảng bá du lịch để giới thiệu cho du khách thông qua dịp lễ hội và sự kiện của địa phương; tích cực tham gia sự kiện để xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh.

Với giải pháp cụ thể, hướng đi phù hợp trước mắt, lâu dài cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, du lịch TP. Hà Tiên ngày càng phát triển không chỉ là điểm đến trọng điểm trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.

Bài và ảnh: Nhã Quỳnh

Báo Kiên Giang - baokiengiang.vn - Đăng ngày 22/05/2023