Tôi đi đến Khu du lịch chợ nổi Trà Ôn, một ngày thả mình về miền quê sông nước, để trải nghiệm, thư giãn trên mảnh đất quê hương mình!
Một ngày thả mình về miền quê để trải nghiệm và thư giãn. Ảnh: N.Liễu
Khu du lịch chợ nổi Trà Ôn (ở ấp Long Hưng, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Trà Vinh) mở cửa đón khách từ dịp lễ 30/4/2023. Phà từ TT Trà Ôn đưa tôi sang bờ Lục Sĩ Thành, nhìn mấy đọt bần non nõn đong đưa theo cơn gió, con nước, tôi nhớ bến đò ngày xưa, luốm nhuốm ánh đuốc của người dân quê, đón đò sang chợ huyện bán các loại trái cây, rau củ... Con đường đan dẫn lối, hai bên cây cao um mát, nếu thêm một chút độ dốc, độ dài, tôi ngỡ mình đang leo xe vòng trên triền đảo bởi hơi mát phả lên từ ngã ba sông.
Đón tiếp tôi là lời chào, nụ cười niềm nở đậm chất tình, chất nghĩa mộc mạc của miền Tây, tôi cảm nhận rõ nét. Bởi tôi cũng lớn lên từ ruộng đồng, chân nứt nẻ lội mương bắt cá, lội sông cào hến... Cha mẹ nuôi tôi ăn học từ một đời lam lũ nắng mưa. Đến đây, ngoài trải nghiệm sinh thái miệt vườn, tôi còn tìm lại mình của thuở ngày xưa. Những chiếc ghe điểm xuyết hoa, thúng, nia, mái chèo... trang trí, để gợi nhớ một thời chợ nổi nhộn nhịp trên sông. Người xưa mưu sinh sóng nước dập dềnh. Người trẻ cảm nhận, tưởng tượng qua cảnh trí mô phỏng, dòng hồi tưởng của thế hệ đi trước.
Bên hiên nhà, giàn nho xanh mới ra trái non, giăng mắc, bò dọc ngang. Theo lời bạn hướng dẫn, với giá vé 60.000 đ/người, khách có thể thoải mái thưởng thức trái cây. Đó là vườn ổi, cây chỉ ngang đầu người, đầy trái, hay vườn chôm chôm chín đỏ rực như mấy chùm pháo bông, lủng lẳng tổ kiến vàng. Quanh mấy bụi sen hồng, lũ cá quặn mình dưới mương nước. Dọc lối đi là những gian nhà gỗ, du khách có thể mua các loại nước uống, bánh kẹo, có cả giường để nghỉ ngơi. Mùi trâm ổi đủ màu đỏ, cam, vàng cuốn theo bước chân, vương trên những chiếc xuồng con bày biện chén, đũa, gia vị... phục vụ các món ăn đồng quê cho khách. Buổi sáng trời nắng trong, buổi chiều mưa nhẹ. Tôi gọi món bánh xèo thơm phức, vừa ngắm mưa tẩm ướt cội cây già, vừa nghe câu hát trẻ du khách đang nhảy múa bên khu nhạc sóng.
Khu du lịch đã được đầu tư nhiều, và sắp tới sẽ mở rộng, đa dạng cảnh sắc, phong phú món ăn, có thêm mô hình lưu trú qua đêm cho khách ở phương xa... Anh chủ khu du lịch cho đến các bạn nhân viên ở đây luôn miệng cười và hỏi chúng tôi trải nghiệm có vui không. Quê ở sông nước miệt vườn, có những cái đã từng rất quen thuộc, của miệt vườn sông nước, bỗng một ngày trải nghiệm lại, chúng tôi cảm thấy háo hức...
Vịn tay trên khung cầu tre được chống, mắc vào hàng dừa, tôi nhìn chị làm vườn đang cặm cụi nhổ cỏ. Đến hỏi thăm, chị cho biết được chủ thuê với lương 4,5 triệu/tháng, “nhà chị cũng gần đây, mần có thêm thu nhập”. Khu du lịch cũng tạo việc làm cho các bạn hướng dẫn, hầu hết rất trẻ, đa phần là người tại địa phương. Trong hình ảnh áo bà ba, các nữ nhân viên tại khu du lịch đon đả hướng dẫn khách có thêm các trải nghiệm cho mình. Chính sự trẻ, có lắm lúc thơ ngây, lại dễ tạo thiện cảm, tình thương cho du khách.
Nhà bạn Văn Tính ngay tại ấp Long Hưng này, gần khu du lịch bây giờ nhìn ra chợ nổi Trà Ôn ngày xưa, thấp thoáng bên kia là TT Trà Ôn. Tính ở ngay đây nhưng cũng như chúng tôi từ Vĩnh Long về, chia sẻ: “Em với bạn cùng đi vui chơi chính tại quê mình sau thời gian học hành, làm việc”. Bãi tắm cặp mé sông tuy còn đơn sơ, bình dị nhưng toát lên cái hồn quê chất phác như bóng lục bình trôi chầm chậm dưới ánh chiều nghiêng. Thấp thoáng ghe xuồng thong thả đi qua, nét văn hóa đậm đà miền sông nước.
Với những thứ thuộc về ký ức, chúng tôi tin vẫn đồng hành trong dòng chảy bây giờ. Trong tôi gợn lên những đồng điệu cùng nhịp thở sôi động hôm nay.
Thái Linh