Những năm vừa qua, chính quyền các cấp và các nghệ nhân dân gian, những già làng có uy tín trong đồng bào các dân tộc ở thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ, xã Nghĩa Lợi múa xòe trong giờ học ngoại khóa.
Nhằm góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương, ngay từ năm học 2013 - 2014 Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đã xây dựng mô hình "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong các trường học", trong đó tập trung tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp với đặc thù của địa phương như: thành lập các Câu lạc bộ múa xòe cổ; Câu lạc bộ khắp Thái, học chữ Thái cổ; tổ chức trò chơi dân gian như ném còn, tó mắc lẹ, đẩy gậy...
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện mô hình, đến nay toàn ngành giáo dục thị xã Nghĩa Lộ đã có 42 đội múa xòe cổ, trong đó có 14 đội bậc mầm non, 28 đội bậc phổ thông hoạt động đều đặn, thường xuyên phục vụ các hoạt động lớn của nhà trường, của ngành và thị xã. Bên cạnh đó, những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ cũng thành lập các câu lạc bộ, nhóm hội hoạt động bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa, nổi bật là Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc thị xã Nghĩa Lộ.
Sau hơn 15 năm thành lập và đi vào hoạt động, Câu lạc bộ đã có nhiều đóng góp to lớn cùng với chính quyền địa phương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền. Bà Lò Thị Huân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Câu lạc bộ luôn bám sát định hướng và các hoạt động của thị xã để phối hợp tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng Mường Lò đạt kết quả thiết thực. Thông qua đó, đã góp phần tạo phong trào, lan tỏa sự yêu thích, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn về con người, vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống đặc thù cho cộng đồng và thế hệ trẻ”.
Để xây dựng Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa du lịch, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thị xã đã đề ra nhiều giải pháp tích cực khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: phục dựng lễ hội truyền thống dân tộc Thái Xên bản, Xên mường, tết Xíp xí, hội Hạn Khuống; lễ Khai hạ của dân tộc Mường; mở các lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, chữ Thái cổ...; chú trọng duy trì các môn thể thao dân tộc như: ném còn, tó mắc lẹ, bắn nỏ. Cùng với đó, hàng năm, thị xã tổ chức tuần văn hóa - du lịch Mường Lò gắn với nhiều sự kiện, hoạt động ấn tượng tạo điểm nhấn thu hút và xúc tiến, quảng bá du lịch.
Ông Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Hàng năm, thông qua việc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò được tổ chức, thị xã đã đưa các giá trị văn hóa vào để khai thác du lịch nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch. Đồng thời, thị xã chỉ đạo các xã, phường có các giá trị văn hóa phục dựng lại và mở các lớp truyền dạy các giá trị văn hóa để không bị mai một”.
Với những nỗ lực đó, các giá trị văn hóa đặc sắc vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ đang được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, thị xã vinh dự có Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2021; năm 2017, Nghệ thuật trình diễn Hạn Khuống được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; đền Cầm Hánh được công nhận là Di sản Văn hóa cấp tỉnh; 3 kỷ lục Guinness Việt Nam đó là màn Đại xòe với sự tham gia của 2013 diễn viên quần chúng và nghệ nhân, mâm xôi ngũ sắc và chiếc khèn bè của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò.
Hùng Cường