Ngày trước, ở miền Tây Nam bộ, mỗi khi nhà có lễ, tết, đám cưới, hỏi, đám giỗ hầu hết đều có cù lao trên bàn tiệc.
Tên lẩu cù lao có lẽ bắt nguồn từ vật dụng đựng món ăn này. Chiếc cù lao là vật dụng hình trụ tròn, phía dưới có bụng rỗng với chức năng chứa tro than; ở giữa có vòng tròn lớn mở miệng để đựng thức ăn, bên trên có nắp đậy; ở giữa có một trụ tròn nhằm đựng than đang cháy để món ăn lúc nào cũng nóng hổi.
Ngày trước, mỗi khi có đám tiệc hoặc dịp lễ, tết, con cháu đông đủ, ngoại tôi thường nấu món cù lao cho cả nhà. Ngày đó, món cù lao được xem là món ăn xa xỉ vì nấu lẩu cù lao tốn kém và công phu, trang trí cầu kỳ, vì vậy mà món ăn này có hương vị riêng, hấp dẫn vô cùng.
Khi nhà có đám tiệc, người dân quê thường làm nguyên con heo, phần đầu luộc cúng hoặc làm thịt nguội, phần thịt chia ra nấu nhiều món như khổ qua dồn thịt, thịt kho, thịt luộc cuốn bánh tráng và không thể thiếu món cù lao. Cù lao có tim, gan heo, thịt bằm vò viên, thịt nạc. Để nấu được món cù lao ngon có nhiều yếu tố nhưng có lẽ phần nước dùng là quan trọng, nước lẩu cù lao phải trong veo, có vị ngọt thanh.
Lẩu cù lao được bài trí đẹp mắt, hương vị thơm ngon, nóng hổi nhờ phần than đỏ rực để ở giữa.
Thuở đó, quê xa chợ, muốn ăn gì người dân ra vườn hái là đủ đồ để chế biến món ngon. Những loại cây thân quen như cây dừa thì nhà nào cũng có vài chục gốc, uống không kịp dừa khô tự rụng xuống có khi còn tự mọc cây mới. Mỗi lần nấu cù lao, người dân đốn cả quầy dừa để lấy nước, pha thêm nước mưa, kết hợp vị ngọt béo của tủy tiết ra từ các loại xương heo được hầm nấu trong thời gian dài cùng cách nêm nếm đậm đà theo khẩu vị của người miền Tây làm cho hương vị của món cù lao thật đặc biệt.
Các bà, các mẹ còn khéo léo gọt, tỉa rau, củ thành nhiều hình dạng bắt mắt với những bông hoa 5 cánh bằng củ cà rốt, củ cải trắng; hoa tua rua vuốt bằng cọng hành; trái ớt màu đỏ nổi bật trang trí lên trên làm cho món cù lao càng hấp dẫn.
Phần giữa cù lao được bao lại bằng nhôm là nơi để than giữ nóng cho nước lẩu cù lao. Khi ăn cù lao, mọi người thường múc nước lẩu nóng hổi, vừa thổi vừa húp để cảm nhận vị ngọt thanh, đậm đà nơi đầu lưỡi, nhâm nhi cùng rượu đế, đờn ca tài tử góp vui để bữa tiệc càng thêm thi vị và đậm chất miền Tây.
Khi xã hội phát triển hơn, hàng quán, chợ có mặt khắp nơi, nhiều món lẩu mới lạ, hấp dẫn như lẩu hải sản, lẩu Thái, lẩu Hàn Quốc, lẩu nấm được giới trẻ yêu thích. Dụng cụ dùng để nấu lẩu hiện đại và tiện lợi không cần đốt than giữ lửa khi ăn lẩu.
Dù bẵng đi một thời gian, lẩu cù lao không phổ biến nhưng khi những món mới lạ ngày càng nhiều, nhiều người có xu hướng tìm về hương vị của ngày xưa. Cũng như tôi, dẫu lên thành phố lập nghiệp bao năm, thưởng thức bao nhiêu món mới lạ nhưng có lẽ xuất thân là người con của miền quê sông nước, từng bưng chén lẩu cù lao nóng hổi vừa thổi vừa húp thì không thể quên được hương vị ấy. Cái vị cù lao có lẫn nước mưa, nước dừa của quê tôi ngày ấy vẫn là hương vị rất riêng khiến tôi nhớ mãi.
Người dân miền quê là vậy, dẫu có nhiều món ngon vật lạ đến đâu thì hương vị của quê nhà vẫn luôn khiến họ nhớ mãi, cũng như vị đậm đà của món lẩu cù lao xưa vẫn luôn là hương vị của hồn quê, đọng mãi trong ký ức của bao người.
Bài và ảnh: Hồng Mụi