Theo dòng chảy của quá trình phát triển và đô thị hóa nông thôn, những hình ảnh thân thương, xưa cũ của nếp nhà làng quê Bắc Bộ đang dần mai một. Ðể gìn giữ cho muôn đời sau, Bảo tàng Ðồng quê, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy (Nam Ðịnh) ra đời bằng tâm huyết của một cặp vợ chồng đã ở tuổi thất thập.
Một góc trưng bày các dụng cụ, công cụ vùng quê đồng bằng Bắc Bộ xưa tại Bảo tàng Ðồng quê.
Nằm ở vùng quê yên bình thuộc thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, Bảo tàng Ðồng quê rộng khoảng 6.000 m², được tổ chức với ba nội dung chính gồm khu trưng bày ngoài trời, khu trưng bày trong nhà và khu văn hóa ẩm thực đồng quê. Ðây là một trong những bảo tàng tư nhân có quy mô lớn trên cả nước, đồng thời cũng là bảo tàng trưng bày hiện vật về đồng quê đầu tiên ở Việt Nam.
Ở không gian ngoài trời, du khách được tìm hiểu, chiêm ngưỡng những nếp nhà xưa ở nông thôn miền bắc qua ba mô hình "nhà bần nông", "nhà trung nông" và "nhà địa chủ" có tuổi đời hàng trăm năm. Cũng tại đây, thế hệ trẻ được trực tiếp trải nghiệm những công việc của nhà nông xưa; làm các món ăn dân dã và thưởng thức những loại hình nghệ thuật truyền thống. Không gian xanh mướt cây cối, được tô điểm bằng mái gianh, mái ngói, mảnh ruộng, ao cá, làm sống lại trong nhiều người những hoài niệm về khung cảnh miền quê xưa, nay đã vắng bóng…
Khu trưng bày trong nhà được sắp xếp tại một công trình bốn tầng nằm chính giữa trung tâm bảo tàng. Tầng một trưng bày những kỷ vật "đời chiến sĩ". Tầng hai và tầng ba là khu vực trưng bày hàng nghìn hiện vật của vùng quê Bắc Bộ, chủ yếu là các dụng cụ sản xuất của nghề trồng lúa và cuộc sống sinh hoạt của người dân quê xưa như nồi, mâm, sanh đồng, đèn dầu, tiền xu, tiền giấy Ðông Dương... Tầng bốn là thư viện nhỏ, với hơn 1.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực, và đây cũng là không gian sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.
Vóc người nhỏ nhắn, ăn vận giản dị, giọng nói nhẹ nhàng, nhà giáo Ngô Thị Khiếu, Giám đốc Bảo tàng Ðồng quê xuất hiện thật gần gũi. Bà là vợ của Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, người con của làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh. Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, từng lăn lộn với sóng gió, chỉ huy xây dựng nhiều công trình quốc phòng quan trọng trên các đảo ở quần đảo Trường Sa.
Kể về cơ duyên hình thành Bảo tàng Ðồng quê, bà Khiếu cho biết, từ hơn 20 năm trước, ông bà đã dành thời gian, tiền bạc sưu tầm các vật dụng sinh hoạt của những thời đại đã qua, từ sự thôi thúc của tình yêu với quê hương, với văn hóa làng quê vốn đang dần bị mai một. Khoảng năm 2010, trong dịp được mời về dự lễ khánh thành Trường mầm non xã Giao Thịnh, chứng kiến tình trạng thiếu thốn ở địa phương, vợ chồng bà nảy ra ý mở một thư viện cho đám trẻ đọc sách và tham quan các hiện vật đã sưu tầm. Ðược sự ủng hộ, cho thuê đất của xã, huyện, gia đình bà Khiếu vay mượn thêm để xây bảo tàng. Trong quá trình xây dựng, có nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ tiền bạc, hiện vật, góp công sức. Bảo tàng được khởi công từ năm 2011, đến cuối năm 2012 đi vào hoạt động và năm 2015 hoàn thành các hạng mục.
Ðến nay, bảo tàng từng bước được hoàn thiện nhờ tâm huyết của các thành viên trong gia đình bà Khiếu, sự chung tay hỗ trợ của chính quyền địa phương và của cộng đồng. Bảo tàng hiện có khoảng 10.000 hiện vật, mỗi năm đón khoảng 25.000 lượt khách trong nước và quốc tế tham quan. Bảo tàng tự cấy tám sào ruộng lấy gạo nấu rượu; tự trồng, tự nuôi các loại rau, lợn, gà, cá, chế biến các món ẩm thực làng quê, vừa tạo hoạt động trải nghiệm cho du khách, vừa tạo nguồn thu để duy trì hoạt động.
Tuổi đã gần 70, bà Khiếu vẫn không quản ngại xa gia đình ở Hà Nội, thường xuyên gắn bó với bảo tàng để lo chăm sóc, giữ gìn "hồn quê". Bà tâm sự: "Nhịp sống thay đổi nhanh quá, ngoảnh đi ngoảnh lại, những nét xưa trong đời sống, văn hóa làng quê Bắc Bộ đã mai một hết. Nếu từ giờ tôi không thu gom lại, rồi chẳng bao lâu những hình ảnh, hiện vật ấy sẽ không còn nữa. Bây giờ, gia đình tôi vẫn cố gắng vận hành bảo tàng, khi nào không còn đủ sức khỏe, gia đình tôi sẽ hiến tặng bảo tàng cho địa phương…"
Bài và ảnh: Trần Khánh