Hà Nội: Nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Mường
Cập nhật: 29/02/2024
Thời gian qua, đồng bào dân tộc Mường ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) sinh sống tập trung tại các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Để gìn giữ những nét đẹp văn hóa của người Mường, huyện Thạch Thất đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại.

Văn hóa truyền thống của dân tộc Mường có bản sắc riêng, rất độc đáo, chứa đựng lối sống giàu chất nhân văn và đạo lý truyền thống, phản ánh quá trình lao động, sáng tạo được kế tục phát huy, phát triển, là niềm tự hào của bao thế hệ người Mường.

Những năm qua, việc bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Thạch Thất đã được thực hiện tích cực, kịp thời, tạo được sự đồng thuận và nhiệt tình tham gia của đồng bào dân tộc Mường tại 3 xã miền núi.

Các hủ tục đã được xóa bỏ, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào vùng núi được nâng lên.

Văn hóa truyền thống của dân tộc Mường có bản sắc riêng, rất độc đáo.

Trong đó, người Mường ở huyện Thạch Thất còn lưu giữ, bảo tồn nhiều nét đẹp văn hóa Mường như cồng chiêng, ngôn ngữ, trang phục… Những năm gần đây, huyện Thạch Thất đã tổ chức chương trình liên hoan múa hát, biểu diễn chiêng và hội thi các môn thể thao dân tộc miền núi. Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện để các diễn viên, nhân dân được giao lưu học hỏi, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân về trách nhiệm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Những phần trình diễn cồng, chiêng chất lượng đã và đang góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Được biết, từ trước khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội (ngày 1/8/2008), hoạt động diễn tấu chiêng của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình bị lắng xuống và mờ nhạt. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, hoạt động diễn tấu chiêng Mường đã được khởi động trở lại và từng bước khôi phục, phát triển.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn - Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Chiêng và Hát múa dân gian xã Tiến Xuân, chia sẻ: Câu lạc bộ của xã được thành lập từ năm 2014 với 25 thành viên. Tuy nhiên, ngay từ năm 2008, mỗi thôn đều đã thành lập đội chiêng của mình, với tổng số 84 thành viên.

Ngoài việc các đội tự góp tiền mua sắm bộ chiêng để biểu diễn, huyện Thạch Thất cũng trang bị 17 bộ chiêng cho các thôn của xã Tiến Xuân và mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn đánh chiêng cho thành viên của các đội.

“Việc thành lập các câu lạc bộ, đội chiêng Mường nhằm mục tiêu duy trì thường xuyên các hoạt động biểu diễn tập thể, truyền tải nghệ thuật biểu diễn chiêng tới thế hệ sau. Như vậy, nghệ thuật biểu diễn chiêng Mường sẽ không bị quên lãng”, bà Thìn cho biết.

Còn tại xã Yên Bình, đến nay, 10 thôn của xã đều có đội chiêng và có tổng số 13 bộ chiêng Mường. Các thôn thường xuyên luyện tập, giao lưu với nhau và học hỏi thêm từ các xã, huyện khác về nghệ thuật tấu chiêng và hát, múa.

Văn hóa dân tộc Mường đã được người dân trong xã quan tâm khôi phục và duy trì thông qua các hoạt động trình diễn trang phục, ẩm thực, lễ hội chiêng... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Huyện Thạch Thất cũng sát sao chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình thực hiện tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia vào công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường...

Nhận thức, tinh thần đoàn kết, tính tự tôn dân tộc trong nhân dân được nâng cao, các già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tích cực tham gia hoạt động bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường, đẩy mạnh việc trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

K.Tiến

Báo Lao động Thủ đô - laodongthudo.vn - Đăng ngày 28/02/2024