Quảng Ninh sở hữu vùng biển rộng lớn nhất miền Bắc, vì thế, nơi đây cũng nổi tiếng bởi nguồn hải sản phong phú. Ngoài những món hải sản đắt tiền, du khách có thể thưởng thức những đặc sản dân dã dưới đây.
Canh chua cá ngần
Cá ngần là loài cá nhỏ có màu trắng muốt, xương sụn, thân dài khoảng 8 - 10cm, thường sống ở vùng nước lợ của khu vực Đông Triều. Cá ngần có thể nấu thành nhiều món, trong đó có món canh chua. Khi chế biến, người ta rửa sạch cá rồi phi hành thơm và xào cà chua cho nhừ. Sau đó, cho một lượng nước vừa đủ, đun sôi và thả gừng thái chỉ, dứa thái lát, cà chua bổ múi cau, dọc mùng cùng quả me hoặc tai chua. Khi nước sôi trở lại, tiếp tục cho cá vào, hớt bỏ lớp bọt và thêm hạt nêm cho vừa. Cuối cùng, rắc hành, thìa là thái nhỏ, thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi hương và thưởng thức cùng cơm hoặc bún. Món canh chua cá ngần thường được thưởng thức cùng các loại rau sống như diếp cá, rau muống chẻ, xà lách, hoa chuối... mang lại vị thanh mát và cân bằng dinh dưỡng.
Ghẹ nấu rau muống
Canh ghẹ nấu rau muống là món ăn tuy đơn giản nhưng phải có bí quyết mới có thể nấu ngon. Quan trọng nhất là khâu chọn ghẹ, chỉ chọn những con có kích thước vừa phải thì thịt mới chắc, béo và ngọt. Sau khi làm sạch ghẹ, người ta chặt đôi và bỏ một phần chân để nước ngọt tiết ra. Tiếp đó, phi tỏi thơm trong dầu ăn rồi xào ghẹ, nêm chút gia vị cho đậm đà rồi đổ thêm nước. Khi nước sôi mới thả rau muống (đã được vặn bằng tay để rau mềm hơn) vào. Món này thường được ăn vào mùa hè bởi vị thanh mát của rau và vị ngọt tự nhiên của ghẹ quyện vào nhau khiến thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Gỏi sá sùng
Sá sùng còn được gọi là địa sâm, giun biển hay sâu cát bởi chúng sống trong các hang sâu hay dưới lớp cát biển. Sá sùng ở Quan Lạn, Minh Châu ngon nổi tiếng nhờ con to, dày mình, thân dài từ 10 - 15cm và có màu nâu đỏ cùng những sợi vân nhỏ. Sá sùng có vị ngọt đặc trưng nên khi chế biến sẽ mang lại vị ngon hấp dẫn cho các món ăn.
Để chế biến món gỏi sá sùng phải mất nhiều công làm sạch cát. Ngoài việc ngâm, rửa qua nhiều lần nước, khi sơ chế, người ta còn phải bóc phần ruột nhỏ li ti nằm dọc thân để làm sạch, tránh bị sạn khi ăn. Sau đó, ngâm trong nước muối nhạt rồi ướp đá cho sá sùng tươi, giòn. Khi ăn, người ta dùng lá mui biển gói sá sùng với khế chua, xoài xanh, dứa, chuối xanh và chấm với xì dầu, mù tạt để làm tăng hương vị ngọt tự nhiên của sá sùng, vị chua, chát của hoa quả, vị mặn, cay của các loại gia vị; đồng thời cân bằng các dưỡng chất, giúp thực khách không bị lạnh bụng sau khi ăn.
Khánh Vi