Đắk Lắk: Bảo tồn vốn quý văn hóa các dân tộc ở Ea Kar
Cập nhật: 22/07/2024
Với 28 dân tộc cùng sinh sống, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nhằm phát huy lợi thế của “sức mạnh mềm” trong xây dựng, quảng bá hình ảnh của đô thị phía Đông tỉnh.

Là xã gần trung tâm huyện, Cư Huê được huyện Ea Kar chọn tập trung phát triển du lịch cộng đồng tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nơi được huyện chọn làm địa điểm tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ea Kar hằng năm.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Huê Phạm Duy Hùng cho biết, để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, xã đã phối hợp tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm; thành lập các đội văn nghệ, cồng chiêng; vận động người dân không bán ché, chiêng, lưu giữ nghề làm rượu cần.

Bên cạnh đó, xã khuyến khích bà con các buôn giữ gìn nhà dài để phát triển thành điểm du lịch cộng đồng; sưu tầm các đồ vật trong lao động sản xuất, săn bắn đưa về các nhà dài trưng bày; duy trì bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu như cồng chiêng, lễ cúng bến nước để phục vụ nhân dân địa phương và du khách.

Xã cũng đã vận động, hỗ trợ nâng cấp hai bến nước ở buôn M’Briu và M’Oa; xây dựng một số tuyến đường nội buôn; tham gia hội thi dệt thổ cẩm, giao lưu văn hóa, văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức.

Đội văn nghệ của các buôn tham gia biểu diễn tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ea Kar.

Hưởng ứng chủ trương chung của xã, gia đình bà Amí Toàn ở buôn M’Oa đã phục dựng lại căn nhà dài truyền thống để làm nơi sum họp của đại gia đình và là điểm tổ chức các lớp dạy dệt thổ cẩm, cồng chiêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số và thanh thiếu niên trên địa bàn xã. Nhờ vậy, ngôi nhà dài của gia đình bà đã trở thành một trong những điểm tham quan, du lịch, khám phá văn hóa truyền thống.

Hay như già Ama Thức ở buôn Tơng Kroa, nhiều năm qua, ông đã đem kinh nghiệm đánh chiêng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy, buôn đã duy trì được đội chiêng và đội múa cùng nhau tập luyện để tham gia Liên hoan văn hóa cồng chiêng do UBND huyện Ea Kar tổ chức hằng năm. Già Ama Thức chia sẻ, việc tập luyện, tham gia các liên hoan hay giao lưu văn hóa, cồng chiêng không chỉ đem lại niềm vui, sự hào hứng, vun đắp tình đoàn kết mà còn giữ cho nhịp chiêng, điệu múa truyền thống không bị mai một.

Hội thi giã gạo tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ea Kar thu hút đông đảo du khách đến xem và cổ vũ.

Đã hơn 35 năm vào định cư ở vùng đất mới nhưng người Tày, Nùng ở thôn 3, xã Cư Prông vẫn giữ được bản sắc truyền thống đặc trưng với hơn 100 ngôi nhà sàn. Ngày tết cổ truyền, người dân vẫn giữ nếp làm bánh khảo, bánh tro, bánh dày, tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu đàn tính, hát then, hát giao duyên… Ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân nơi đây không chỉ trao truyền những vốn quý của cộng đồng cho các thế hệ mà còn tạo sự kết nối giữa các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Thôn 3, xã Cư Prông vì vậy đã được UBND huyện chọn làm nơi tổ chức Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar hằng năm.

Ông Cao Việt Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea Kar cho biết, cùng với việc đầu tư nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa cho các thôn, buôn, tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, phục dựng các nghi lễ truyền thống, huyện Ea Kar đã đặc biệt quan tâm tổ chức các ngày hội, liên hoan văn hóa cồng chiêng, hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, giải đua thuyền… Qua đó, vừa làm tốt công tác bảo tồn, vừa phát huy hiệu quả “sức mạnh mềm” trong quảng bá, thu hút du khách đến Ea Kar.

Nguyễn Xuân

Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 21/7/2024