Hồi sinh di sản văn hóa với công nghệ 3D tiên tiến
Cập nhật: 19/09/2024
Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam, phối hợp với Adobe tổ chức tập huấn cho các bảo tàng và trung tâm lưu trữ trong nước nhằm tìm hiểu về vai trò của công nghệ 3D trong bảo tồn văn hóa và di sản bản địa.

Đại diện từ các bảo tàng, trung tâm lưu trữ trong nước cũng như cán bộ giảng viên RMIT Việt Nam đã trải nghiệm việc dùng công nghệ 3D tiên tiến để bảo tồn di sản văn hóa

Hơn 35 người tham dự tập huấn đến từ các bảo tàng và trung tâm lưu trữ trong nước, cũng như cán bộ giảng viên RMIT Việt Nam đã có được trải nghiệm thú vị, đặc biệt với những ai quan tâm tìm hiểu quy trình số hóa tài sản di sản lịch sử và văn hóa trong kỷ nguyên số.

Công nghệ 3D, đặc biệt là Adobe 3D Substance, được dùng bởi nhiều tổ chức trên toàn cầu. Công nghệ này đã được đưa vào các chương trình giảng dạy về thời trang, thiết kế và truyền thông số tại RMIT, cũng như giúp nâng cao khả năng sáng tạo trong các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc đưa công nghệ này vào bảo tồn thời trang và dệt may truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn còn mới và đang trong giai đoạn hình thành.

Dự án Studio Nghiên cứu thiết kế Việt Nam hướng tới tương lai thời trang bền vững (VDRS), được tài trợ bởi Quỹ Thách thức đổi mới chiến lược của Đại học RMIT Việt Nam, đã áp dụng hướng tiếp cận sáng tạo để tận dụng lợi thế của công nghệ trong việc bảo tồn di sản văn hóa bản địa, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện đại.

Trong thời đại mà toàn cầu hóa và đô thị hóa đe dọa làm xói mòn những di sản văn hóa phong phú này, cách tiếp cận giao thoa giữa công nghệ, văn hóa và giáo dục, không chỉ bảo tồn truyền thống mà còn hồi sinh chúng.

Bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai qua các phương tiện kỹ thuật số, các kho tàng văn hóa sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và truyền cảm hứng.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết: “Chúng tôi có những khó khăn nhất định trong bảo tồn gần 34.000 mộc bản Triều Nguyễn đang được lưu trữ tại trung tâm.

Những hiện vật này bằng gỗ có kích thước lớn, bề mặt khắc nổi các chữ hán, hoa văn, họa tiết, nếu chỉ chụp ảnh đơn thuần để trưng bày trong triển lãm thì chưa thực sự ấn tượng và không thể thể hiện rõ các chi tiết”.

Theo ông Hùng, số hóa 3D mà hệ sinh thái phần mềm của Adobe cung cấp rất phù hợp để lưu trữ các mộc bản này, giúp làm nổi bật lên những nét khắc và hỗ trợ ý tưởng thực hiện các triển lãm ảo, cho phép khách tham quan tập trung vào chi tiết nổi bật của hiện vật.

Nếu được triển khai hiệu quả, công nghệ này có thể mở đường cho các triển lãm ảo trong tương lai.

TS An Thu Trà - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, phần mềm rất hữu ích trong việc chuyển đổi ngay lập tức các hiện vật của bảo tàng, chẳng hạn như các họa tiết từ văn hóa H’mông hay Thái, sang định dạng 3D.

Chuyên gia lưu ý đến tiềm năng áp dụng công nghệ này trong việc thúc đẩy nỗ lực truyền thông và giáo dục của bảo tàng, đặc biệt trong việc số hóa trang phục truyền thống và khăn trùm đầu với thiết kế giàu bản sắc độc đáo của các dân tộc.

Theo bà Phương Thu Hiền - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, trong thời đại số, các bảo tàng cần hướng tiếp cận sáng tạo để giới thiệu hiện vật với công chúng, đặc biệt là đến thế hệ trẻ.

“Trong những năm gần đây, nhiều du khách đến tham quan bảo tàng là thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử và truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng rằng với việc áp dụng công nghệ mới này, các hiện vật của bảo tàng sẽ sống động và có tính thẩm mỹ cao hơn để đến gần với hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, qua đó giáo dục được truyền thống, lịch sử của phụ nữ Việt Nam”, bà Hiền nói.

Chương trình tập huấn nhằm thúc đẩy bảo tồn văn hóa và quảng bá di sản bản địa

Chủ nhiệm chương trình Thời trang tại RMIT Việt Nam và Chủ nhiệm dự án VDRS, bà Corinna Joyce cho biết VDRS đóng vai trò nền tảng trong việc bảo tồn tri thức truyền thống của 53 dân tộc thiểu số Việt Nam.

“Chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng không chỉ bảo tồn kiến thức mà còn mở rộng phạm vi phổ biến những kiến thức này. Chúng tôi đang xem xét đến việc hợp tác với các nghệ nhân để tổng hợp các kiến thức khác nhau.

Bên cạnh việc bảo tồn, điều này còn giúp đưa kỹ thuật may mặc truyền thống vào bối cảnh hiện đại, nhằm đóng góp cho sự phát triển của ngành thời trang”, bà Corinna Joyce bày tỏ.

Theo chuyên gia, tập huấn là một phần trong việc xây dựng nền tảng này, đặc biệt từ khía cạnh lưu trữ. BTC mong những kỹ thuật và kiến thức truyền thống sẽ được truyền tải đến nhiều người hơn.

“Tại Việt Nam, các kỹ thuật may mặc truyền thống hiện đang còn khá riêng rẽ. Thông qua số hóa, chúng tôi muốn xây dựng một nền tảng mà mọi người có thể tiếp cận với vẻ đẹp, kỹ thuật và kiến thức đằng sau những truyền thống này. Với công nghệ 3D, chúng tôi tin có thể đạt được hoài bão trên”, Chủ nhiệm dự án VDRS kỳ vọng.

Buổi tập huấn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác mới và hiện có giữa RMIT Việt Nam và các bảo tàng, trung tâm lưu trữ trên khắp Việt Nam.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cho những nỗ lực không ngừng của nhà trường trong việc kết hợp di sản truyền thống với tiến bộ công nghệ hiện đại, thúc đẩy hiểu biết và đánh giá sâu sắc hơn về nền tảng văn hóa phong phú của Việt Nam.

Thùy Trang

Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 18/9/2024