Tháng 3 đi chợ tình Khau Vai
Cập nhật: 01/05/2007
Chợ tình Khau Vai họp nhằm ngày 27/3 âm lịch. Theo truyền tích, ban đầu chợ họp không có người mua, người bán. Họ đến đây chỉ để tìm lại bóng dáng người xưa. Người ở xa khởi hành từ chiều hôm trước, kẻ ở gần khăn gói xuống chợ từ khi sương chưa kịp tan để kịp họp phiên chợ mà họ chờ đợi suốt một năm ròng.

Đã nghe nhiều tới cái tên chợ tình Khau Vai nhưng khi được chiêm ngưỡng bức ảnh Khau Vai trong sương sớm được treo trang trọng tại phòng khách của hầu hết các cơ quan trong tỉnh Hà Giang, người viết bài này vẫn không khỏi bị mê hoặc bởi những nét nguyên sơ đầy lãng mạn của khu chợ tình. Bức ảnh được tác giả chụp từ trên cao, con đường dẫn vào chợ uốn cong hình dấu hỏi, thấp thoáng trong sương sớm bồng bềnh là sắc áo váy rực rỡ của các cô thiếu nữ vùng cao. Khung cảnh huyền ảo, thực thực, hư hư đó khiến bất cứ ai nhìn vào cũng muốn được khám phá về phiên chợ đặc biệt mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày 27/3 âm lịch.

Truyện kể rằng, Khau Vai là nơi dừng chân cuối cùng của một đôi tình nhân chạy trốn không thành. Chàng trai người H'mông yêu cô gái Giáy, nhưng do sự hiềm khích của 2 bộ tộc, họ dắt nhau chạy trốn đến đất này, trong sự truy đuổi của người không chấp nhận mối quan hệ của họ.

Lại cũng có người cho rằng: Cô gái Giáy yêu chàng trai người H'mông, nhưng bị ép gả cho một người khác nên họ cùng nhau đi trốn... Cuộc chạy trốn không thành khi người nhà bắt được đôi tình nhân tại đất Khau Vai đúng vào ngày 27/3 âm lịch. Để tránh một mối thù truyền đời giữa hai tộc họ, đôi tình nhân chấp nhận chia tay, lấy Khau Vai làm nơi hẹn gặp mỗi năm, cho đến khi từ giã cõi đời. Mỗi người kể mỗi khác nhưng theo ông Tuệ, tựu trung lại chợ tình Khau Vai vẫn mang một ý nghĩa duy nhất: Đây là phiên chợ cho những người lỡ duyên, trở lại tìm nhau ôn chuyện cũ.

Cách trung tâm huyện Mèo Vạc 24 km đường núi, chợ Khau Vai nằm cheo leo trên một đỉnh đồi hình cánh cung, lọt thỏm trong thung lũng mờ sương. Theo lời người dân bản xứ, chợ Khau Vai ban đầu họp không có người mua, không có người bán. Họ đến đây chỉ để tìm lại bóng dáng người xưa. Bất kể tuổi tác, già hay trẻ, không hẹn trước nhưng cứ đến ngày 27/3 âm lịch hàng năm, dù cách Khau Vai nhiều quả núi, họ vẫn tìm đến. Người ở xa khởi hành từ chiều hôm trước, kẻ ở gần khăn gói xuống chợ từ khi sương chưa kịp tan để kịp họp phiên chợ mà họ chờ đợi suốt một năm ròng.

Chợ họp vào ban đêm, khi sương lạnh giăng mờ những đỉnh núi đá. Chỉ có ngọn đuốc trên tay soi rõ gương mặt nồng vì men rượu ngô của cô gái vùng cao. Sau một đêm gặp lại người tình cũ, ai lại về nhà người ấy, không có chuyện ghen tuông, hờn giận. Con ngựa quen thuộc cõng ông chồng vắt vẻo vì say rượu, người vợ theo sau tay nắm lấy đuôi ngựa về nhà.

Năm này qua năm khác, lời hẹn Khau Vai được gìn giữ cho đến lúc một trong hai người từ giã cõi đời. Trong lời kể của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Mèo Vạc, phiên chợ tình năm ngoái, có ông cụ 86 tuổi vẫn chống gậy men theo đường mòn tìm về Khau Vai, tìm về lời hẹn ước năm xưa.

Năm nay, chợ tình Khau Vai được nâng lên thành Lễ hội chợ tình, tổ chức trong 3 ngày với tiêu chí vừa giữ nguyên bản sắc vừa trang trọng, sôi nổi và có sức lôi cuốn du khách. Giữa tháng 5 chợ tình Khau Vai 2007 mới họp nhưng để đảm bảo chợ tình diễn ra an toàn, lành mạnh, ngay từ đầu năm, UBND huyện Mèo Vạc đã thành lập Ban chỉ đạo Lễ hội Chợ tình Khau Vai. Tránh sự lộn xộn do thiếu quản lý như các năm trước, mọi hoạt động đưa đón, hướng dẫn du khách đến với chợ tình năm nay được tính toán kỹ lưỡng. Không gian lễ hội cũng được mở rộng: Ngoài khu vực thị trấn Mèo Vạc còn có các xã Sủng Trà, Tả Lủng, điểm dừng chân Mã Pì Lèng. Huyện cũng khôi phục lại tục hát đối đáp, các trò chơi dân gian như kéo co, múa gậy để Lễ hội thêm phong phú.

Đến với chợ tình Khau Vai năm nay du khách không chỉ được đắm mình trong một không gian lễ hội đậm đà bản sắc văn hoá mà còn được thưởng thức những thú vui ẩm thực đặc sắc của người vùng cao như thắng cố, mèn mén, thịt treo... thăm làng văn hoá du lịch Sảng Pả A; làng văn hoá du lịch Nà Trào; dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng...

Chợt nhớ đến những vần thơ về chợ tình Khau Vai của nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh: Mong một lần được đến chợ Khau Vai/ Để tìm lại những gì đã mất./ Tay tìm tay. / Mắt tìm mắt./ Yêu thương tìm yêu thương…

Và dù du khách vì lý do nào đó có thất vọng về một Khau Vai lễ hội, vẫn mong những đôi trai gái lỡ duyên nhớ ngày vượt núi tìm nhau: Nếu Khau Vai lỡ hẹn phiên này/ Em sẽ chờ phiên khác…
VOV